03/09/2022 - 19:02

Đằng sau mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Iran 

Trong bối cảnh “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga phát động tại Ukraine đang làm xói mòn nhân lực, kho vũ khí, kinh tế và các mối quan hệ ngoại giao của Mát-xcơ-va, Tổng thống Vladimir Putin quyết định lựa chọn một “cứu cánh” không chắc chắn nhưng rất cần thiết đó là Iran, một trong những nước ủng hộ Mát-xcơ-va mạnh mẽ nhất kể từ khi xung đột nổ ra.

Tổng thống Nga Putin (trái) gặp người đồng cấp Iran Raisi trong chuyến thăm Tehran hồi tháng 7. Ảnh: AP

Tổng thống Nga Putin (trái) gặp người đồng cấp Iran Raisi trong chuyến thăm Tehran hồi tháng 7. Ảnh: AP

Trước năm 2022, mối quan hệ giữa Nga và Iran bị ảnh hưởng vì các chương trình nghị sự đối lập ở Syria, do những nghi ngờ lịch sử của Iran về sự can thiệp của nước ngoài và do vai trò lịch sử của Nga với tư cách là cường quốc thống trị ở Trung Á và Caucasus. Tuy nhiên, các sự kiện liên tiếp diễn ra cho thấy cuộc chiến ở Ukraine đã thúc đẩy Nga và Iran gắn kết lại với nhau.

Đôi bên cùng có lợi?

Nga không phải tự nhiên mà chọn Iran làm “điểm tựa” trong cuộc chiến tại Ukraine. Từ lâu, mối quan hệ giữa 2 nước rất khắng khít và phức tạp. Mát-xcơ-va và Tehran đã tìm thấy lý do chung trong việc giúp chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đánh bại các lực lượng đối lập nhưng suy cho cùng cũng chỉ là vì những lợi ích quốc gia khác nhau. Giới phân tích cho rằng việc giúp cho ông al-Assad tại vị giúp Nga khẳng định là một cường quốc lớn ở Trung Đông, còn đối với Iran, một Syria thân thiện sẽ là mắt xích quan trọng trong liên minh chống Mỹ, chống Israel của Tehran. Mặt khác, khi Nga và Iran tham chiến để giúp ông al-Assad giữ vững quyền lực, Mát-xcơ-va và Tehran cũng cạnh tranh để giành lấy các hợp đồng tái thiết và phát triển cơ sở hạ tầng sinh lợi tại Syria, đồng thời định hình môi trường chính trị thời hậu nội chiến có lợi cho họ.

Song, không quốc gia nào đủ mạnh dạn để tác động đến cách thức hoạt động của đối phương ở Syria. Do đó, đôi khi các lực lượng được Iran hậu thuẫn và lực lượng Nga hợp tác với nhau nhưng có lúc họ lại đối chọi nhau.

Thế nhưng, cuối cùng thì tình cảnh của Nga ở Ukraine đã buộc giới lãnh đạo nước này kêu gọi sự giúp đỡ của Iran theo 2 cách. Một là, yêu cầu lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cung cấp nguồn nhân lực bổ sung nhằm giúp Nga lấp đầy khoảng trống còn lại khi Mát-xcơ-va chuyển lực lượng quân đội và vũ khí từ Syria sang chiến dịch Ukraine. Và hai là, Nga sử dụng các máy bay không người lái (UAV) chi phí thấp đã được kiểm chứng trên thực tế của Iran để chống lại kho vũ khí của Ukraine do phương Tây hỗ trợ.

Quân đội Iran hồi tháng 7 đã tiến hành huấn luyện cho nhiều sĩ quan Nga về hoạt động của các UAV do nước này sản xuất như Shahed-129 hay Shahed-191. Thậm chí, nhiều nguồn tin tình báo ẩn danh và giới chức Ukraine chỉ ra rằng Nga từng sử dụng UAV của Iran trong cuộc chiến ở Ukraine. Mặc dù chưa được xác nhận nhưng thông tin này phù hợp với các đánh giá trước đây của Mỹ rằng Iran sẽ cung cấp cho Nga “lên đến vài trăm” UAV để sử dụng tại Ukraine. Theo tờ Asia Times, UAV của Iran có thể cung cấp cho Mát-xcơ-va phản ứng hiệu quả và rất cần thiết trước các loại vũ khí của Mỹ ở Ukraine. Ngoài ra, vũ khí của Iran còn có thể buộc các nhà “hảo tâm phương Tây” của Ukraine phải tăng cường thêm hàng tỉ USD cho các hệ thống phòng không hoặc viện trợ để thay thế các hệ thống mà vũ khí Iran có khả năng vô hiệu hóa.

Giới phân tích nhận định rằng mối quan hệ chiến lược đang ấm dần lên nói trên có thể không giúp Nga đánh bại Ukraine nhưng sẽ thúc đẩy lợi ích quốc gia của Iran. Còn nhớ, việc Nga “bắt tay” với Iran tại Syria đã giúp Tehran đưa thêm nhiều binh sĩ tới Syria. Lực lượng này sau đó cho phép Iran kiểm soát phần lãnh thổ bị các lực lượng chống ông al-Assad đe dọa và duy trì một hành lang mở hoặc “cầu nối trên đất liền” để Iran mở rộng sự hỗ trợ cho mạng lưới chống Mỹ và Israel. Mặt khác, việc Nga mua lại vũ khí của Iran sẽ thúc đẩy đáng kể ngành công nghiệp vũ khí của Cộng hòa Hồi giáo, qua đó cũng giúp hợp pháp hóa và mở rộng ngành công nghiệp vũ khí của Tehran vốn được thành lập nhằm phục vụ mục đích “tự cung tự cấp” và chi viện cho các nhóm chiến binh phi chính phủ khu vực như Hezbollah, Hamas, Houthi cùng các nhóm dân quân ở Iraq, Syria.

Cuối cùng, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine giúp mở ra con đường mới mà qua đó Iran có thể trực tiếp chống lại số vũ khí do Mỹ cung cấp cũng như mang đến cơ hội làm suy yếu ảnh hưởng của Washington và Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) ở Lục địa Âu - Á, đưa Tehran vào danh sách những quốc gia muốn thách thức Washington cũng như sức mạnh chính trị, quân sự và kinh tế của NATO, qua đó củng cố tình đoàn kết giữa các quốc gia đó. Và khi máy bay chiến đấu, cố vấn và vũ khí của Iran được đưa tới các khu vực mới và trao quyền cho các đối thủ của Mỹ, Tehran sẽ thúc đẩy hơn nữa lợi ích quốc gia sao cho ngang bằng lợi ích quốc gia của Washington.

Nương tựa vào nhau 

Một báo cáo được đăng tải gần đây trên tờ Nhật báo Phố Wall (WSJ) cho rằng Nga và Iran đang củng cố một liên minh. “Hai đối thủ của Mỹ đang tăng tốc nỗ lực xây dựng quan hệ thương mại và quân sự khi họ đối mặt với sự cô lập quốc tế” - báo cáo có đoạn viết.

Theo WSJ, Hãng tin TASS của Nga đồng ý với nhận định trên. TASS nhấn mạnh, Nga và Iran đang tăng cường quan hệ trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với 2 quốc gia này. Theo TASS, Tehran và Mát-xcơ-va đang thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn bao giờ hết. Chính sự cô lập quốc tế đã thúc đẩy 2 kẻ thù của Mỹ hướng tới hợp tác thương mại và quân sự nhiều hơn, khiến Washington như nằm trên đống lửa.

Đích thân Tổng thống Putin đã sang thăm Iran hồi tháng 7 và đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông Putin kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Kể từ khi xung đột nổ ra, Tổng thống Putin và người đồng cấp Iran Ebrahim Raisi đã có ít nhất 4 cuộc điện đàm, nhiều hơn bất kỳ cuộc điện đàm nào giữa cá nhân 2 nhà lãnh đạo này với các vị nguyên thủ quốc gia khác.

Kể từ khi xung đột nổ ra tại Ukraine, giới chức cao cấp của Nga và Iran trong những tháng gần đây đã thường xuyên gặp nhau để thúc đẩy hợp tác và ký kết các thỏa thuận kinh tế và quân sự. Iran có thể mang lại cho Nga kinh nghiệm lách trừng phạt của phương Tây trong khi Mát-xcơ-va có thể ưu tiên Tehran trong xuất khẩu nông sản. Tháng 7 vừa qua, Iran trở thành khách hàng mua lúa mì Nga lớn nhất thế giới. 

Đầu tháng 8, Nga phóng một vệ tinh của Iran vào không gian và đây là thành công hiếm có đối với chương trình không gian của Tehran. Iran cho biết vệ tinh này sẽ giúp tăng cường “năng lực quản lý và lập kế hoạch” trong nông nghiệp, tài nguyên nước, quản lý thiên tai hoặc giám sát biên giới. Nhưng Mỹ nghi ngờ vệ tinh này có thể được Tehran sử dụng để giúp Nga giám sát hoạt động chuyển quân của Ukraine. Vệ tinh này cũng có thể giúp Iran theo dõi các nhà máy lọc dầu ở vùng Vịnh, các căn cứ quân sự của Israel và các cứ địa đóng quân của Mỹ tại khu vực. 

Đáng chú ý, Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran cũng đã ký thỏa thuận với Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga để đầu tư 40 tỉ USD vào ngành công nghiệp khí đốt tự nhiên của Iran. Hai nước cũng vừa lần đầu tiên sử dụng đồng rial và ruble trong thanh toán nhằm “né” các hạn chế tiếp cận hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.  Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 31-8 cho biết nước này và Iran đang hoàn tất một văn kiện toàn diện về hợp tác song phương. Ông Lavrov khẳng định văn kiện này sẽ có tầm quan trọng chiến lược và đề ra định hướng cơ bản cho chiến lược phát triển quan hệ toàn diện Nga - Iran “trong những thập kỷ tới”.

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine được cho đang làm thay đổi trật tự địa chính trị và địa kinh tế thế giới. Iran coi những thay đổi này là có lợi cho họ, giúp tối đa hóa lợi ích và thúc đẩy các tham vọng chính trị, kinh tế và quân sự của nước này. Iran tìm kiếm ảnh hưởng vượt ra ngoài Trung Đông để mở rộng chiều sâu chiến lược, thiết lập các mối quan hệ kinh tế mới với các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và quan hệ rộng hơn với các nước khác Pakistan, Venezuela, Belarus, Triều Tiên.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết