05/09/2015 - 17:33

Đằng sau hành trình vượt Địa Trung Hải

Một hộp thuốc lá, túi nhựa đựng giấy tờ, bút laser, vài chai nước suối, thuốc giảm đau, mấy quả chanh chống ói cùng quần áo, áo phao là những vật dụng Abu Jana – cựu sĩ quan quân đội Syria nhồi nhét trong ba lô chuẩn bị cùng gia đình vượt biển tìm đường sang châu Âu. Đây cũng là hành trang thường thấy của người tị nạn từ Syria. Trong những vật dụng kể trên, cựu quân nhân 35 tuổi cho biết bút laser cùng áo phao là thứ quan trọng nhất có thể phát tín hiệu cầu cứu các tàu bè khác trong trường hợp nguy cấp, còn túi nhựa có thể bảo vệ giấy tờ tùy thân an toàn một khi rơi xuống nước.

Dù biết cuộc hành trình đầy rẫy nguy hiểm nhưng Jana vẫn hạ quyết tâm do không còn lựa chọn nào khác. Anh cho biết đã từ chức trong quân đội sau khi chứng kiến một vụ thảm sát trong những ngày đầu cuộc nổi dậy hồi năm 2011. Chính quyết định này đẩy anh vào con đường bị truy nã ở Syria, thậm chí không có hộ chiếu, không có việc làm sau khi đã lánh sang Ai Cập. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều người di cư Syria khác ở Ai Cập, bởi một khi họ đã nhận được thẻ tị nạn do Liên Hiệp Quốc cấp đồng nghĩa đại sứ quán Syria từ chối gia hạn hộ chiếu của họ. Quan trọng hơn là bản thân những người này không có giấy tờ đương nhiên con cái họ cũng không tồn tại về mặt pháp lý.

Hành trang vượt biển của Abu Jana. Ảnh: Guardian 

Mặt khác, tuy Ai Cập không nổ ra chiến sự nhưng cuộc nổi dậy của các chiến binh ngày càng tồi tệ. Ngay cả ngân sách cho công dân nước họ còn hạn chế huống chi người tị nạn. "Đó là nguyên nhân tôi quyết định rời khỏi" – Jana cho biết và nói thêm rằng có lẽ nhiều người Syria khác tại Ai Cập cũng có tâm lý như vậy. Theo anh, dù thuyền đưa họ tới châu Âu có bị nhấn chìm thì vẫn sẽ có người dấn thân vì họ tự coi mình đã chết rồi. "Ngay bây giờ, người Syria tự coi mình đã chết. Không phải thể chất, nhưng tâm lý, giá trị con người và xã hội của chúng tôi hoàn toàn bị phá hủy và đạt đến đỉnh điểm của sự chết chóc. Vì vậy, dù tàu nhập cư có bị đánh bom thì tôi không nghĩ nó thay đổi được quyết định của mọi người" – Jana nói trong tuyệt vọng.

Khác với Jana, Monzer Diabes từng bị bắt tại bờ biển Ai Cập khi đang cùng vợ và các con chờ để lên thuyền một kẻ buôn lậu sang châu Âu. Đây cũng là điều may mắn vì nếu lên thuyền, họ đã bỏ mạng trên biển cùng 500 hành khách khác. Hiện Diabes đang chuẩn bị một mình mạo hiểm lần nữa. Ông cho biết điều quan trọng nhất là tương lai của các con với nền giáo dục tử tế. Nơi đây hoàn toàn không có chỉ vì họ đang chạy trốn khỏi một cuộc chiến tranh, nhưng châu Âu thì có thể.

"Tất nhiên là tôi sợ lắm, nhưng tôi không có bất kỳ sự lựa chọn nào khác" – một người tị nạn khác cho biết. Anh ta tên Houthayfa, từng chạy trốn sang Lebanon - nơi có hơn một triệu người tị nạn chạy từ Syria sang kể từ sau nội chiến. Houthayfa đã ở đây 9 tháng mà theo anh là "Chín tháng của đau khổ cùng cực". Do làn sóng tị nạn gia tăng, Houthayfa cho biết cư dân địa phương đã không hề chào đón họ. "Họ xúc phạm bạn, họ đánh bạn ngay trên đường phố và bạn không thể nói bất cứ điều gì bởi bạn là người tị nạn" – Houthayfa nói. Không thể chịu đựng, Houthayfa quyết định sang Ai Cập và tình hình cũng không khá hơn. Anh kiếm việc làm nhưng khi nhận lương, người chủ nói rằng: "Chúng tôi cho phép bạn ở lại đây, bạn được cho ăn và bây giờ bạn muốn có tiền? Bạn nên trả chúng tôi tiền mới phải". Vì thế, Houthayfa dù biết nguy hiểm nhưng quyết định sớm liên hệ với những nhóm buôn lậu người nhập cư với hy vọng có thể tới trời Âu.

Như vụ gia đình anh Abdullah, 35 tuổi, đã phải rời bỏ thị trấn Kobani sau khi chứng kiến người thân bị các tay súng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) hành quyết, với kết cục bi thảm là hai đứa con trai kháu khỉnh 3-5 tuổi Aylan và Ghalib cùng người vợ trẻ thiệt mạng bởi con tàu nhỏ quá tải chở họ bị chìm tại vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ.

Với những thực trạng trên, phần lớn người tị nạn Syria đã không còn quan tâm đến nguy hiểm trên những chiếc thuyền ọp ẹp lênh đênh trên Địa Trung Hải. Đối với họ trong cơn tuyệt vọng, nếu mọi việc suôn sẻ thì có thể sống một cuộc đời khác, nhưng "nếu tôi chết, thì chết. Tôi không sợ hãi" – một người tị nạn khác cho biết.

MAI QUYÊN (Theo Guardian, AP)

MAI QUYÊN (Theo Guardian, AP)

Chia sẻ bài viết