 |
Người dân nhiều thành phố tại Trung Quốc phải sống trong khói bụi ô nhiễm. Ảnh: coronillag |
Lượng phát thải CO
2 trên đầu người của Trung Quốc có thể sẽ qua mặt Mỹ vào năm 2017 và trở thành nước có dân số gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới. Ước tính trên được rút ra từ báo cáo mới đây cho thấy mức phát thải carbon của đất nước đông dân nhất hành tinh đang phình to với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự đoán trước đây.
Sự kết hợp giữa cuộc đua xây dựng cơ sở hạ tầng và sự mọc lên như nấm các ngành công nghiệp phát thải nhiều CO2 sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã đưa Trung Quốc vào nhóm các nước phát triển nếu tính theo tỷ lệ phát thải carbon trên đầu người. Các gói kích thích kinh tế từ năm 2008 tại xứ sở gấu trúc giúp sản lượng điện hầu hết từ than đá tăng 11,6% năm 2010 và các ngành công nghiệp thải nhiều CO2 là thép và xi măng tăng lần lượt là 9,6% và 15,1%. Điều này kéo theo mức phát thải CO2 trên đầu người năm 2010 tăng 10%, đạt 6,8 tấn. Trong khi đó, con số hồi năm 2000 là 2,9 tấn.
Theo Báo cáo Xu hướng dài hạn của việc phát thải CO2 toàn cầu của Cơ quan đánh giá môi trường Hà Lan, Trung Quốc hiện có tỷ lệ phát thải CO2 trên đầu người cao hơn Pháp và Tây Ban Nha. Với đà này, xứ sở Vạn Lý Trường Thành sẽ qua mặt Anh vào cuối năm 2012 và năm 2017 sẽ vượt Mỹ (năm 2010 là 16,9 tấn CO2/người). “Nếu xu hướng phát thải hiện nay của Trung Quốc và các nước công nghiệp, kể cả Mỹ, tiếp tục trong 7 năm nữa, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2017 và trở thành nước có mức phát thải CO2 trên đầu người cao nhất trong 25 quốc gia phát thải CO2 nhiều nhất thế giới”, báo cáo nhận định. Báo cáo 40 trang này được dựa trên các kết quả gần đây ghi nhận từ Cơ sở dữ liệu phát thải dùng cho nghiên cứu khí quyển toàn cầu (EDGAR) và số liệu thống kê mới nhất về lượng tiêu thụ năng lượng và các hoạt động khác. Đây cũng là đánh giá mới nhất về vị trí của Trung Quốc trên bảng xếp hạng mức độ phát thải carbon toàn cầu.
Năm 2007, Trung Quốc vượt qua Mỹ và trở thành quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng mức phát thải đó là tất nhiên đối với một nước đang phát triển nếu chia bình quân trên dân số. Giới phân tích nhận định dữ liệu mới phản ánh không chỉ sự phát thải tăng vùn vụt của Trung Quốc mà còn là khuynh hướng tiếp tục tụt giảm khí thải carbon của các nước châu Âu.
Ngày 1-10 tại Panama, hơn 2.000 đại biểu đến từ 194 quốc gia trên thế giới đã khai mạc cuộc họp kỹ thuật chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu dự định tổ chức tại Nam Phi vào cuối năm nay nhằm đạt được một thỏa thuận toàn cầu trong cuộc chiến chung chống hiện tượng tự nhiên ngày càng gây nhiều hậu quả bất lợi này. |
Giáo sư Michael Jacobs ở Đại học Luân Đôn (Anh) cho rằng kết quả mới này sẽ khiến Trung Quốc phải chấp nhận rằng họ không còn được xem như một nước đang phát triển khi gây biến đổi khí hậu. “Do mức phát thải tổng thể và bình quân đầu người của Trung Quốc gia tăng, chắc chắn Bắc Kinh sẽ phải có trách nhiệm lớn hơn không chỉ trong nước mà trên trường quốc tế”, ông nói. Theo Giáo sư Jacobs, Trung Quốc cần có những bước đi mạnh mẽ hơn nữa trong việc sử dụng năng lượng tái sinh. Mặc dù trong 6 năm qua, mỗi năm nước này đều tăng gấp đôi sản lượng điện Mặt trời và điện gió nhưng báo cáo cho thấy các nỗ lực đó vẫn nhỏ bé so với sự bùng nổ về công nghiệp tại Trung Quốc.
THUẬN HẢI (Theo Telegraph)