25/11/2021 - 13:40

Dân Hàn tranh cãi về thịt chó 

Trong khi các nhà hoạt động vì quyền động vật và chủ vật nuôi ở Hàn Quốc vui mừng trước đề xuất của chính phủ đóng cửa các nhà hàng phục vụ thịt chó, nhiều “thực khách” vẫn khăng khăng rằng món ăn này nên được bảo tồn như một phần của văn hóa ẩm thực quốc gia.

Tổng thống Moon Jae-in  nổi tiếng là người yêu chó. Ảnh: Getty Images

Hồi tháng 8, Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Choung Jae-min cho biết nước này có kế hoạch sửa đổi bộ luật dân sự để thắt chặt quy định bảo vệ động vật trong bối cảnh số vụ ngược đãi động vật tăng cao. Ðề xuất được nhiều nhà lập pháp, các nhóm hoạt động vì quyền động vật ủng hộ. Một số người còn đề nghị nên có quy định cấm ăn thịt chó. Ðến tháng 9, Chính phủ Hàn Quốc đưa cấm tiêu thụ thịt chó vào chương trình nghị sự, sau khi Tổng thống Moon Jae-in cho rằng đã đến lúc cân nhắc kỹ lệnh cấm buôn bán, tiêu thụ thịt loại động vật đã trở thành thú cưng phổ biến.

Hôm nay 25-11, Hàn Quốc bắt đầu mở các cuộc thảo luận cấp chính phủ xoay quanh chủ đề này khi ăn thịt chó trở thành vấn đề xã hội bị “tẩy chay” trong cộng đồng quốc tế.

Không còn phổ biến

Trong quá khứ, người dân xứ kim chi chủ yếu sinh sống bằng nghề nông. Với nguồn thịt khan hiếm, thói quen ăn thịt chó trở thành một phần của ẩm thực Hàn Quốc khi người dân tìm nguồn cung đạm thay thế cho thịt heo, bò vốn đắt đỏ. Nhiều cá nhân tin thịt chó giúp tăng cường thể chất trong cái nóng mùa hè, cũng như nghĩ loại thực phẩm này tốt cho sức khỏe phái nam. Vào thế kỷ 20, khi bò, heo và gà được nuôi công nghiệp để cung cấp thịt thì người Hàn Quốc vẫn không ngừng ăn thịt chó.

Nhưng kể từ những năm 2000, văn hóa phương Tây bắt đầu xâm nhập dẫn tới xu hướng giảm thói quen tiêu thụ thịt chó ở Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác, theo Tiến sĩ Joo Young-ha tại Học viện Nghiên cứu Hàn Quốc. Riêng ở Hàn, quá trình đó bắt đầu từ tranh cãi vào năm 1988 khi quốc gia Ðông Bắc Á đăng cai Thế vận hội mùa hè và bị cộng đồng quốc tế chỉ trích gay gắt về phong tục ẩm thực trên. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều nghiên cứu cho thấy ngày càng ít người Hàn Quốc ăn thịt chó và món ăn này hiện chỉ phổ biến ở tầng lớp trung niên và người già. Với hơn 60% người Hàn Quốc hiện coi chó cưng là một phần của gia đình chứ không phải thức ăn, người đứng đầu chiến dịch “Thôi ăn thịt chó” Nara Kim cho rằng thịt chó không thể được coi là một phần của ẩm thực truyền thống.

Một cuộc thăm dò dư luận của Hiệp hội Nhân đạo Quốc tế/Hàn Quốc vào năm 2020 cho thấy, 84% người Hàn Quốc không hoặc sẽ không ăn thịt chó và 60% cho biết họ ủng hộ lệnh cấm đối với việc buôn bán thịt loại động vật này. Năm 2019, số lượng nhà hàng phục vụ thịt chó ở Seoul giảm còn dưới 100 cơ sở trong khi doanh số bán hàng của ngành công nghiệp này sụt 30% mỗi năm. Năm 2018, Hàn Quốc cho đóng cửa lò giết mổ chó lớn nhất cả nước ở Seongnam, trong khi chợ thịt chó lớn cuối cùng ở thành phố Daegu cũng ngừng hoạt động vào đầu năm nay. 

Vấn đề nội bộ ?

Cộng đồng quốc tế từng gây áp lực để người Hàn bỏ thịt chó nhưng không dẫn đến kết quả nào. Như làn sóng chỉ trích đầu tiên trong Thế vận hội Seoul 1988, người dân xứ kim chi khi đó đã phản đối và nói rằng thịt chó là một phần của ẩm thực truyền thống. Vấn đề trở nên mang tính dân tộc hơn khi nhiều người, kể cả thành phần trí thức, giết và ăn nhiều thịt chó hơn để chống lại “những kẻ ngoại quốc cố can thiệp vào nước họ”.

Nhưng tình hình hiện nay đã khác với cuộc tranh luận không còn về cách người nước ngoài nhìn nhận ẩm thực của Hàn Quốc như thế nào, mà là người dân trong nước nghĩ gì. Nói đúng hơn, đó là một cuộc xung đột trong xã hội Hàn Quốc. Và các cuộc thảo luận ở cấp chính phủ hiện nay là kết quả của tranh cãi về tính dân tộc hơn là mối quan tâm về hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế, Tiến sĩ Joo nhận định.

MAI QUYÊN (Theo DW)

Chia sẻ bài viết