25/02/2012 - 08:33

Cuộc mặc cả mới

Kyrgyzstan là quốc gia duy nhất trên thế giới có căn cứ quân sự của cả hai cường quốc thường so kè nhau là Nga và Mỹ. Chính quyền Bishkek đã tận dụng “ưu thế” này để mặc cả mang lại lợi ích tài chính ngày càng lớn hơn cho ngân sách nhà nước. Chuyến thăm chính thức Nga 3 ngày lần đầu tiên bắt đầu từ hôm 23-2 của Tổng thống Almazebek Atambaev có lẽ cũng nhằm mục đích ấy.

Theo Thời báo châu Á ngày 24-2, Nga có ít nhất 4 căn cứ quân sự tại Kyrgyzstan, gồm căn cứ không quân Kant ở ngoại ô Thủ đô Bishkek, “căn cứ thử nghiệm ngư lôi” ở Hồ Issik Kul tại miền Đông, “trung tâm viễn thông quân sự” Kara Balta ở miền Bắc và “phòng thử nghiệm vô tuyến-địa chấn” Mailii-Suu ở miền Nam. Trong số này, căn cứ không quân Kant được Kyrgyzstan cho Nga đóng miễn phí, thậm chí nước chủ nhà còn thanh toán cước viễn thông và các dịch dụ công cộng khác theo thỏa thuận của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Các căn cứ quân sự còn lại thì Nga trao đổi bằng các hình thức giúp đào tạo sĩ quan quân đội và cung cấp trang thiết bị quân sự cho Kyrgyzstan.

Trong khi đó, để thuê căn cứ không quân Manas bên trong cảng hàng không dân sự Manas nằm ngay trung tâm Thủ đô Bishkek phục vụ cho chiến dịch quân sự ở Afghanistan từ năm 2001, Mỹ đã phải liên tục tăng tiền chi trả từ vài chục triệu USD/năm lên 150 triệu USD/năm. Từ khi đắc cử tổng thống Kyrgyzstan tháng 12 năm ngoái, ông Atambaev liên tục tuyên bố sẽ đóng cửa căn cứ này sau thời hạn mãn hợp đồng vào năm 2014 với lý do nó gây nguy hiểm cho an ninh Kyrgyzstan. Giới ngoại giao Nga mới đây cho biết có khả năng Mỹ sử dụng căn cứ này làm bàn đạp không kích Iran, trong khi Tehran đe dọa sẽ tấn công đáp trả bất cứ cơ sở quân sự nào của Lầu Năm Góc trong khu vực.

Trong bối cảnh trên, các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm Nga của ông Atambaev cũng nhằm yêu cầu Mát-xcơ-va “chiếu cố” hơn đến lợi ích của Bishkek trong vấn đề căn cứ quân sự. Trước khi sang Nga, ông nói rằng Mát-xcơ-va còn thiếu tổng cộng 15 triệu USD kinh phí “bù đắp” cho ba căn cứ quân sự được thuê. Một số nghị sĩ Kyrgyzstan cũng lên tiếng đòi đánh thuế và giảm thời hạn hợp đồng căn cứ không quân Kant với Nga. Dĩ nhiên, Nga có thể “xoa dịu” bằng các khoản tăng cường viện trợ quân sự, cung cấp các sản phẩm dầu mỏ và các tín dụng viện trợ phát triển. Nếu Nga làm vậy thì Mỹ có lẽ phải chi gấp bội nếu muốn giữ căn cứ Manas để tranh giành ảnh hưởng lâu dài tại khu vực Trung Á chiến lược.

KIẾN HÒA (Theo Atimes, Itar Tass, Ria Novosti)

Chia sẻ bài viết