23/09/2023 - 18:03

Cuộc chiến cạnh tranh kết nối 

Tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Ấn Độ mới đây, một thỏa thuận về nguyên tắc đối với Dự án Hành lang Kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu (IMEC) được ký kết giữa Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Pháp, Đức và Ý. Thỏa thuận này được đánh giá là một thắng lợi lớn của nước chủ nhà Ấn Độ trong vai trò Chủ tịch luân phiên G20 năm 2023, đồng thời được coi là ván cờ chiến lược của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong các nỗ lực cạnh tranh địa chiến lược với Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc và Hành lang Giao thông Quốc tế Bắc Nam (INSTC) của Nga.

Mở ra kỷ nguyên kết nối mới

Các bên tham gia ký kết bản ghi nhớ về dự án IMEC tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ. Ảnh: India PM Office

Các bên tham gia ký kết bản ghi nhớ về dự án IMEC tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ. Ảnh: India PM Office

8 bên tham gia ký kết IMEC ước tính chiếm 1/2 nền kinh tế thế giới và 40% dân số. Theo Hãng tin Đức Deutsche Welle, dự án IMEC đầy tham vọng do Mỹ thúc đẩy  trước hết bao gồm các tuyến đường sắt và vận tải biển xuyên quốc gia trải dài khắp hai châu lục với kỳ vọng ‘sẽ tiếp thêm năng lượng cho sự phát triển kinh tế thông qua việc cải thiện khả năng kết nối và hội nhập kinh tế giữa châu Á, vùng Vịnh và châu Âu.

Dự án này sẽ bao gồm hai hành lang riêng biệt, gồm hành lang phía Đông nối Ấn Độ với vùng Vịnh và hành lang phía Bắc nối vùng Vịnh với châu Âu. Các tuyến đường này có thể cho phép giao thông từ Ấn Độ sang châu Âu ‘’nhanh hơn 40%’’. Đặc biệt, IMEC không chỉ là một dự án về giao thông mà còn là một đại dự án cơ sở hạ tầng. Ngoài các cảng và tuyến đường sắt mới, IMEC cũng phát triển các tuyến đường dây điện cao thế, đường ống dẫn hydrogen, cáp quang.

Phát biểu tại hội nghị đàm phán ký kết IMEC, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng “thế giới đang đứng trước một bước ngoặt trong lịch sử”. Ông nhấn mạnh dự án này là “khoản đầu tư  làm thay đổi cuộc chơi khu vực”. Một tuyên bố của Nhà Trắng mô tả dự án IMEC sẽ mở ra “một kỷ nguyên kết nối mới”. Nhà Trắng cho biết các đối tác sáng lập của dự án có ý định hợp tác với các đối tác quốc tế và khu vực tư nhân để “kết nối Ấn Độ với châu Âu bằng tuyến đường sắt và các cảng hiện có thông qua UAE, Saudi Arabia, Jordan và Israel - điều đó sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế đồng thời khuyến khích đầu tư mới và tạo ra việc làm có chất lượng”.

  Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố dự án IMEC không thể được triển khai nếu không có Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan đồng thời khẳng định con đường thương mại thích hợp nhất từ Đông sang Tây phải đi qua Thổ Nhĩ Kỳ.   Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cũng đã liên tục lặp lại quan điểm trên, khi tuyên bố giới chuyên gia nghi ngờ về mục tiêu chính của IMEC thay vì là tính hợp lý và hiệu quả kinh tế. “Một con đường thương mại không chỉ mang ý nghĩa là nơi gặp gỡ buôn bán. Nó cũng phản ánh sự cạnh tranh địa chiến lược”, Ngoại trưởng Fidan nói. Thay vì IMEC, Ankara đã đề xuất một giải pháp thay thế gọi là Sáng kiến Con đường Phát triển Iraq .  

Vị thế của Mỹ và lợi ích của một số bên

IMEC là bước triển khai đột phá sáng kiến Đối tác đầu tư và cơ sở hạ tầng toàn cầu, dự án mà Tổng thống Joe Biden lần đầu tiên công bố tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) vào năm 2022. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2023 ở Nhật Bản, ông Biden cũng đã xác định các cơ hội mới để mở rộng sáng kiến nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu toàn cầu về tài trợ cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Dự án cơ sở hạ tầng trên được cho sẽ giúp nâng cao vị thế của Mỹ trong khu vực cũng như vai trò toàn cầu của Washington. Theo nhiều chuyên gia, dự án IMEC đặc biệt cho thấy Mỹ quyết tâm trở lại vùng Ấn Độ Dương và Trung Đông và là tín hiệu của Mỹ gửi đến Trung Quốc. Chính quyền ông Biden đang tìm kiếm một thỏa thuận ngoại giao rộng lớn hơn ở Trung Đông, với việc thúc đẩy Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ với Israel. Một khi quan hệ giữa vương quốc Arab hàng đầu này và Israel hòa dịu, quốc gia Do Thái cũng có thể tham gia dự án đường sắt và mở rộng phạm vi tiếp cận tới châu Âu thông qua các cảng biển của họ.

Vì thế, dù Israel không phải là bên trực tiếp ký kết thỏa thuận về nguyên tắc đối với dự án IMEC, nhưng Thủ tướng Benjamin Netanyahu ca ngợi sáng kiến ​​trên là “một dự án hợp tác vĩ đại nhất trong lịch sử của chúng ta” và là một dự án “đưa chúng ta đến một kỷ nguyên mới về hội nhập và hợp tác khu vực và toàn cầu, chưa từng có và độc đáo trong phạm vi của nó”. Ông Netanyahu nói thêm rằng hành lang kinh tế mới “sẽ mang lại hiện thực cho một tầm nhìn kéo dài nhiều năm làm thay đổi bộ mặt của Trung Đông và Israel”.

Đối với Saudi Arabia, nhà phân tích Ali Shihabi của nước này cho rằng IMEC phù hợp với kế hoạch của chính quyền Thái tử Mohammed bin Salman Al Saud trong việc phát triển vương quốc giàu dầu mỏ  thành một trung tâm hậu cần phục vụ Tây Á, châu Âu, Trung Đông và Đông Phi.

Nói một cách khái quát, theo ông Jonathan Panikoff - chuyên gia chương trình Đông Á của trung tâm tư vấn Atlantic Council có trụ sở tại Washington, dự án IMEC không chỉ mang lại chiến thắng cho các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, cho Trung Đông và cho Ấn Độ, mà còn là nỗ lực cụ thể nhất của phương Tây nhằm đối trọng lại với các khoản đầu tư kinh tế của Trung Quốc ở vùng Vịnh.

Ý nghĩa cạnh tranh địa chiến lược

Saudi Arabia tuy là đồng minh của Mỹ nhưng vài năm qua đã dần dần nguội lạnh và bắt đầu thắt chặt quan hệ với các đối thủ lớn của Washington là Nga và Trung Quốc. Ngoài việc hợp tác với Nga về kiểm soát xuất khẩu dầu mỏ, Saudi Arabia là bên ủng hộ mạnh mẽ và là một mắt xích quan trọng trong Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Bắc Kinh tại Trung Đông và châu Phi.

Trong khi đó, Ấn Độ có mối quan hệ với cả Nga và Trung Quốc thông qua các khuôn khổ như nhóm BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Tuy nhiên, New Delhi lại nhất quyết không tham gia BRI của Bắc Kinh và mới tháng 7-2023, Ấn Độ với tư cách chủ tịch luân phiên của SCO đã ngăn chặn một đồng thuận về dự án BRI của Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc hồi tháng 8 cho biết từ khi BRI được phát động năm 2013 đến nay đã thu hút sự ký kết tham gia của hơn 130 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế.

Qua liên kết video, Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Iran Ebrahim Raisi chứng kiến lễ ký thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt Rasht-Astara ở Iran trong khuôn khổ INSTC hồi tháng 5-2023. Ảnh: Reuters

Qua liên kết video, Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Iran Ebrahim Raisi chứng kiến lễ ký thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt Rasht-Astara ở Iran trong khuôn khổ INSTC hồi tháng 5-2023. Ảnh: Reuters

Ấn Độ cũng cùng với Nga và Iran tái khởi động dự án lịch sử là tuyến Hành lang Giao thông Quốc tế Bắc Nam (INSTC) vào tháng 9-2000 và đến nay nó đã mở rộng thêm các nước thành viên mới gồm Azerbaijan, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Oman, Tajikistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine. Thông qua Iran, INSTC kết nối Ấn Độ với Biển Caspi, Nga và Bắc Âu. Do không đi qua Kênh đảo Suez vốn thưởng xuyên quá tải, tuyến đường dài 7.200km này ngắn hơn 40% và rẻ hơn 30% so với các tuyến đường truyền thống. Tuyến đường này hoạt động như một mạng lưới đa phương thức gồm các tuyến đường thủy, đường sắt và đường bộ để vận chuyển hàng hóa giữa Nga, Iran, Ấn Độ với các quốc gia ở biển Caspi và Vịnh Persic (Ba Tư). Nhưng dự án đã bị đình trệ nhiều năm vì khó khăn tài chính cũng như các vấn đề chính trị. Phải đến tháng 5 vừa qua, Iran và Nga mới đạt thỏa thuận cuối cùng. Và Ấn Độ vẫn bị cho là thiếu nguồn lực và quyết tâm chính trị để cam kết triển khai dự án.

 Với những lý do trên, giới phân tích tin rằng dự án IMEC do Mỹ nỗ lực thúc đẩy mang ý nghĩa cạnh tranh địa chiến lược nhằm ngăn chặn đà bành trường của BRI và có thể làm ngưng trệ INSTC. Dĩ nhiên, đây là dự án không dễ biến thành sự thật và mọi chi tiết còn đang trong quá trình bàn luận.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết