29/06/2021 - 11:51

Cực hữu Pháp “trắng tay” trong bầu cử địa phương 

Sau vòng hai cuộc bầu cử địa phương, đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen bị tổn thương nghiêm trọng khi không kiểm soát vùng nào trên toàn quốc, ngay cả ở khu vực thành trì phía Nam.

Lãnh đạo phe cực hữu Le Pen. Ảnh: EPA

Lãnh đạo phe cực hữu Le Pen. Ảnh: EPA

Hôm 27-6, cử tri Pháp đi bỏ phiếu chọn chính quyền các vùng và các tỉnh - hai cấp đơn vị hành chính địa phương trung gian ở nước này. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi Pháp vẽ lại bản đồ bầu cử, từ 22 giảm xuống còn 13 khu vực vào năm 2016. Sự kiện này đồng thời được theo dõi chặt chẽ vì kết quả phản ánh tâm trạng của cử tri trước chiến dịch bầu cử tổng thống và quốc hội vào năm sau. Theo số liệu được ghi nhận vào cuối ngày, có chưa đầy 30% cử tri đi bỏ phiếu, cao hơn tỷ lệ 23% của vòng bầu cử đầu tiên nhưng đây đều là những con số thấp kỷ lục đối với một cuộc bầu cử địa phương ở Pháp trong hơn nửa thế kỷ.

Kết quả sơ bộ cho thấy chiến thắng hầu hết thuộc về những liên danh xuất phát từ các chính quyền mãn nhiệm. Cụ thể, phe trung hữu gồm đảng Những người Cộng hòa (LR) cùng một số đảng khác ở vòng hai đã giành thắng lợi lớn khi kiểm soát 7 trong tổng số 13 vùng. Kế đến là đảng Xã hội  (PS) liên kết những đảng cánh tả khác thắng ở 6 vùng. Riêng đảo Corse tiếp tục thuộc về lực lượng ủng hộ quyền tự trị rộng rãi của Thủ hiến Gilles Simeoni.

Theo các nhà phân tích, kết quả vừa rồi giúp củng cố vị thế bị suy giảm nghiêm trọng của hai chính đảng LR và PS vốn từng thay phiên nhau cầm quyền trong suốt 50 năm cho tới cuộc bầu cử năm 2017. Diễn biến này ngược lại trở thành thách thức đối với đảng Nền Cộng hòa tiến bước (LREM) của Tổng thống Emmanuel Macron và một sự cay đắng đối với đảng cực hữu RN, vốn xếp thứ nhì sau LR và trước PS ở vòng một cuộc bầu cử. Lãnh đạo RN Le Pen khi đó tự tin mô tả cuộc bầu cử khu vực là dấu hiệu cho thấy sự gia tăng quyền lực của phe cực hữu và hy vọng họ có thể hoàn thành mục tiêu kiểm soát ít nhất vùng duyên hải phía Nam Provence-Côte-d’Azur. Song, ứng viên Thierry Mariani của đảng này sau đó bị đánh bại khi đối đầu với liên danh cánh hữu được các đảng chính thống ủng hộ.

Phát biểu sau bầu cử, bà Le Pen cho biết nền dân chủ địa phương đang trải qua “khủng hoảng sâu sắc” đồng thời chỉ trích gay gắt những liên minh “phi truyền thống” được lập ra giữa các đối thủ chính trị để “tước đoạt” chiến thắng của phe cực hữu và ngăn họ thể hiện năng lực điều hành trong hệ thống chính trị. Đặc biệt, với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục, bà Le Pen coi đây là “sự bất mãn” của người dân và “tín hiệu chính” đối với tất cả các tầng lớp chính trị và xã hội.

Cử tri Pháp tìm kiếm gì?

Theo trang tin Guardian, màn đối đầu giữa Tổng thống Macron vốn đang muốn nối lại sợi dây liên lạc với cử tri và bà Le Pen nêu cao chính sách chống người nhập cư có thể không phải là thứ mà người dân Pháp đang tìm kiếm trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Thay vào đó, giới quan sát cho rằng sự kiện chính trị quan trọng ở Pháp năm tới nhiều khả năng chứng kiến sự bùng phát của những bất bình âm ỉ lâu nay trong cộng đồng và an ninh quốc gia được dự đoán là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu sau các cuộc tấn công khủng bố trong 9 tháng qua. Đây có thể là thách thức đối với một nước Pháp rời rạc, dường như không có cách giải quyết thỏa đáng các mối lo ngại về an ninh và cũng không có ứng viên tổng thống nào đưa ra sách lược cụ thể trước lời kêu gọi đất nước đoàn kết chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Trong danh sách những ứng viên tiềm năng hiện nay, giới phân tích đặc biệt chú ý đến nhân vật Xavier Bertrand đang nổi lên sau thắng lợi trong cuộc bầu cử địa phương. Từng đảm nhiệm chức Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Lao động dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy, ông Bertrand cho biết mình chưa từng theo học trường dành cho giới tinh hoa và khẳng định bản thân luôn thấu hiểu những trăn trở của giai cấp công nhân Pháp.

MAI QUYÊN (Theo AP, Guardian)

Chia sẻ bài viết