Truyền thông quốc tế gần đây cho biết Trung Quốc sẽ tham gia đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C ở Anh trị giá gần 25 tỉ bảng mà trong đó Chính phủ Anh cung cấp khoản hỗ trợ ban đầu 2 tỉ bảng. Nhưng theo BBC, lợi ích lớn nhất của Bắc Kinh không nằm ở giá trị đầu tư mà đây là bước đột phá giúp Trung Quốc mở rộng xuất khẩu công nghệ hạt nhân trên toàn cầu.
Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi cuối tháng rồi, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho biết thỏa thuận mới, với sự tham gia của Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc, sẽ thúc đẩy dự án do tập đoàn năng lượng Pháp EDF làm chủ đầu tư nhưng bị chậm trễ lâu nay. Theo BBC, Luân Đôn và EDF đạt được thỏa thuận về Hinkley Point C từ năm 2013 nhưng đến nay EDF vẫn chưa đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng. Ông Vincent de Rivaz, lãnh đạo cơ quan đại diện EDF tại Anh, tin tưởng thỏa thuận này sẽ được xúc tiến nhân chuyến thăm Anh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến diễn ra từ ngày 20 đến ngày 23-10 tới.

Mô hình dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C. Ảnh: EDF Energy
Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, Trung Quốc đang vận hành 24 lò phản ứng hạt nhân trong khi 25 lò khác đang được xây dựng, chiếm 37% số lò phản ứng đang xây dựng trên toàn cầu. Chính quyền Bắc Kinh cũng cam kết tiếp tục mở rộng lĩnh vực này để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như việc quá phụ thuộc vào nhập khẩu dầu và khí đốt. Mặt khác, Trung Quốc cũng rất quan tâm việc xuất khẩu ngành công nghệ cao này.
Theo BBC, khách hàng của Trung Quốc hiện nay chủ yếu là các nước như Pakistan, Romania và Argentina. Nhưng với thỏa thuận hợp tác cùng Anh quốc gia có nhiều kinh nghiệm về điện hạt nhân và các tiêu chuẩn an toàn được quốc tế công nhận, đây sẽ là một chứng thực đối với uy tín của Bắc Kinh mà theo lời Bộ trưởng Năng lượng Anh Amber Rudd, nó sẽ giúp các nước khác tin tưởng hơn về độ an toàn của các công trình Trung Quốc thiết kế. Bà Rudd cũng khẳng định Trung Quốc sẽ là một bên trong kế hoạch xây dựng các thế hệ nhà máy điện hạt nhân tiếp theo của xứ sở sương mù.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng vấn đề an toàn vẫn là một câu hỏi lớn khi các sản phẩm "Made in China" lâu nay đối mặt với nhiều nghi vấn về chất lượng. Được biết sau thảm họa nổ kho hóa chất ở Thiên Tân hồi tháng 8, Trung Quốc đã phát động chiến dịch kiểm tra an toàn tất cả các cơ sở hạt nhân trên toàn quốc. Trước đó, nước này cũng đình chỉ toàn bộ chương trình xây dựng nhà máy điện nguyên tử sau thảm họa hạt nhân Fukushima hồi năm 2011 ở Nhật Bản dù các lò phản ứng của Trung Quốc đến nay chưa xảy ra tai nạn nghiêm trọng nào. Việc đề xuất xây thêm lò phản ứng chỉ vừa được nối lại trong năm nay.
Theo giới phê bình, cần lưu ý là ngành công nghiệp hạt nhân của Trung Quốc đang mở rộng với tốc độ chóng mặt mặc dù thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ chuyên gia, kỹ sư giàu kinh nghiệm. Quan trọng hơn, vấn đề an toàn ở Trung Quốc thường bị xem nhẹ so với lợi nhuận trong khi chính phủ lại không có phương án bảo vệ người tố giác sai phạm. Trên khía cạnh khác, chuyên gia Matthew Cottee về không phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho rằng kế hoạch xây dựng lò phản ứng hạt nhân còn đặt ra những thách thức về bảo mật, cụ thể như khả năng bị tấn công mạng. Do đây là lĩnh vực chiến lược nhạy cảm, nên mối đe dọa tiềm tàng đối với các bên liên quan cũng khá lớn.
MAI QUYÊN (Theo BBC, AFP)