20/03/2008 - 09:57

Con đường tơ lụa mới

Nhiều công trình ở Dubai có bàn tay người thợ đến từ Nam Á. Ảnh: Migicalurbanism

Những năm gần đây, sự hợp tác nhiều mặt giữa khu vực Trung Đông giàu dầu mỏ và phần còn lại của châu Á không ngừng phát triển, mang lại lợi ích chung cho hai phía. Tờ Thế giới (Pháp) mô tả tiến trình này có ý nghĩa như một “Con đường tơ lụa mới”.

Tại Thủ đô Doha của Qatar hay thành phố Dubai của Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất, người ta dễ dàng bắt gặp các công nhân người Ấn ở nhiều công trình xây dựng. Số liệu thống kê chính thức thì chưa có, nhưng theo một số nguồn tin, hiện có khoảng 250.000 người lao động Ấn Độ làm việc ở Qatar, gần bằng 1/3 số dân nước sở tại (Qatar chỉ có 800.000 dân). Còn theo một quan chức cấp cao Qatar, con số này có thể lên đến 500.000 người. Đây là bằng chứng sinh động nhất cho thấy sự hiện diện của phần còn lại của châu Á tại vùng Vịnh. Trung Đông đang tiếp nhận hơn 4,5 triệu người Ấn Độ, gần 4,5 triệu người Pakistan, 1,5 triệu người Philippines đến làm việc. Người lao động Sri Lanka, Việt Nam... cũng đang là nguồn nhân lực mà các nước vùng Vịnh muốn tăng cường tuyển dụng.

Không chỉ trên lĩnh vực hợp tác lao động, các nước châu Á mới nổi và Trung Đông cũng tăng cường quan hệ buôn bán và đầu tư mạnh vào thị trường của nhau nhờ những tương đồng về lịch sử, văn hóa và truyền thống giao thương. Quan hệ buôn bán giữa Trung Quốc, Ấn Độ với một số nước Trung Đông manh nha từ khi Con đường tơ lụa bắt đầu hình thành hồi thế kỷ thứ hai trước Công nguyên. Đối với người Ấn Độ, Trung Đông còn được gọi với cái tên gần gũi là Tây Á.

Hiện mỗi ngày Trung Đông xuất sang các nước châu Á khác 17 triệu thùng dầu, trong đó 2/3 đến Trung Quốc và Ấn Độ. Đổi lại, các nước vùng Vịnh tiêu thụ nhiều hàng hóa được sản xuất từ phần còn lại của châu Á và đầu tư tài chính lớn vào đây (nhờ giá dầu lên cao chót vót). Chẳng hạn, trong quan hệ giữa Trung Quốc và Trung Đông, kim ngạch thương mại song phương từ năm 2000 đến nay đã tăng lên gấp đôi, đạt 240 tỉ USD, mức tăng trưởng bằng 2 lần so với giữa Trung Đông và Mỹ hay châu Âu. Dự kiến trong vòng 5 năm tới, sẽ có thêm 250 tỉ USD vốn đầu tư của các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh đổ vào quốc gia đông dân nhất hành tinh.

Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ và nhiều nước lớn khác lâm vào tình trạng trì trệ thì rõ ràng việc tăng cường hợp tác giữa Trung Đông và phần còn lại của châu Á đang tạo ra một xung lực mới cho nền kinh tế toàn cầu.

• PHÚC NGUYÊN

(Theo Le Monde, Seeking Alpha)

Chia sẻ bài viết