10/12/2008 - 20:26

Thực hiện cải cách hành chính ở một số xã, phường mới chia tách

Cơ sở khó khăn, cán bộ thờ ơ!

Do còn hoạt động tại trụ sở tạm nên bộ phận “một cửa” phường Long Hưng chật hẹp, không đủ chỗ ngồi. Người dân phải đứng chờ đợi giải quyết thủ tục hành chính.

Trong vòng 2 năm qua, TP Cần Thơ đã chia tách, thành lập mới thêm 7 xã, phường, thị trấn (nâng tổng số xã, phường, thị trấn hiện nay trên địa bàn thành phố lên 76). Sau khi được thành lập, những xã, phường, thị trấn mới này đã tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC), bước đầu đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nên công tác CCHC vẫn chưa đáp ứng yêu cầu...

* Thiếu thốn cơ sở vật chất

Được thành lập mới đã một năm nay, nhưng trong tổng số 7 xã, phường mới chia tách hiện mới chỉ có 2 phường, thị trấn được xây dựng trụ sở làm việc, số còn lại phải hoạt động “nhờ”, bàn ghế thiếu... vì vậy, nơi bố trí bộ phận “một cửa” tiếp nhận và trả kết quả cho người dân và doanh nghiệp cũng không đảm bảo theo quy định.

Trụ sở Đảng ủy, UBND lâm thời xã Tân Hưng (huyện Thốt Nốt) là căn nhà cũ kỹ của người dân, nằm cặp Quốc lộ 91, xã thuê để có nơi tổ chức hoạt động hành chính. Do nằm sát Quốc lộ 91 nên chỗ để xe cũng rất hạn hẹp; bảng niêm yết thủ tục hành chính không có chỗ phù hợp để treo, phòng làm việc của bộ phận “một cửa” chật hẹp... chỗ ngồi chờ giải quyết thủ tục hành chính chỉ có một băng ghế đặt ngoài hè. Không gian làm việc chật hẹp, ẩm thấp, nhưng địa phương phải chi trả tiền thuê trụ sở 40 triệu đồng/năm.

Trụ sở của UBND phường Thới Hòa, quận Ô Môn, được bố trí tạm tại nơi làm việc cũ của UBND huyện Cờ Đỏ trước đây, ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn. So với các xã mới chia tách khác, trụ sở này có “ổn” hơn, nhưng so với yêu cầu của công tác CCHC vẫn không đáp ứng. Theo kế hoạch, từ tháng 5-2008, Đảng ủy, UBND phường sẽ dời về trụ sở mới ở khu vực Hòa An B, nhưng đến nay UBND phường vẫn còn hoạt động tại trụ sở tạm, vì chưa có đường giao thông đến trụ sở UBND phường. Hiện tại, con đường duy nhất dẫn đến trụ sở UBND phường Thới Hòa là con đường đất do người dân vét mương đắp làm lối đi, dài khoảng 2km, ngoằn ngoèo, hẹp, có đoạn chỉ rộng chừng 0,5 mét nên khó khăn trong đi lại. “Những hôm trời nắng, xe hai bánh có thể đi được, chứ trời mưa, đi bộ còn khó nữa là chạy xe”- bà Nguyễn Thị Bốn, người dân ở khu vực Hòa An B, cho biết. Nhiều người dân và cả cán bộ phường Thới Hòa đang băn khoăn về việc UBND phường chuyển về làm việc tại trụ sở mới, bởi đường sá chưa làm. Ông Nguyễn Văn Năm, nhà ở khu vực Hòa An B, phường Thới Hòa, nêu ý kiến: “Trong khi đường chưa mở, mà UBND phường dời về đây làm việc, người dân khi đi làm giấy tờ chắc chắn sẽ phải đi bộ nhiều hơn là đi xe máy. Với đoạn đường 3 - 4 km, nếu phải đi bộ sẽ mất nhiều thời gian. Mong chính quyền quan tâm làm luôn con đường, để dân thuận lợi khi đến xã giao dịch hành chính”.

Bà Trịnh Cẩm Cúc, Chủ tịch UBND phường Thới Hòa, cho biết: “Quy hoạch mở đường từ Quốc lộ 91 vào trụ sở UBND phường Thới Hòa nghe nói cả chục năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Xã đã nhiều lần kiến nghị cấp trên nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ mở đường, nhưng chờ hoài chẳng thấy hồi âm”. Hiện tại, tính cả phường Thới Hòa, thì quận Ô Môn có 2 phường xe 4 bánh chưa đến được (trước đây chỉ có 1 phường là Thới An). “Đường sá chưa làm, nên khi dời bộ máy hành chính của phường về trụ sở mới, chắc chắn người dân sẽ gặp nhiều khó khăn, phiền hà. Phường đang vận động đóng góp để đổ đá bụi những đoạn sình lầy, giảm bớt khó khăn cho việc đi lại làm giấy tờ của người dân” - bà Trịnh Cẩm Cúc nói.

Còn tại phường Long Hưng, quận Ô Môn, dù đã thành lập đi vào hoạt động gần 1 năm, nhưng việc xây dựng trụ sở UBND phường vẫn chưa được thực hiện. Nơi làm việc hiện tại của bộ máy hành chính phường được quận Ô Môn bố trí tạm tại nhà văn hóa phường Thới Long, cách xa trung tâm hành chính được quy hoạch hơn 3 km, nên khó khăn cho người dân trong đi lại làm hồ sơ, giấy tờ. Trụ sở vẫn còn nằm... trên giấy, nhưng đầu năm 2008, quận Ô Môn đã tiến hành trang cấp bàn ghế làm việc đầy đủ cho phường, gây khó khăn cho công tác bảo quản.

* Thờ ơ với cải cách hành chính !

Thứ hai, ngày 8 tháng 12 năm 2008, chúng tôi có mặt tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Tân Hưng (huyện Thốt Nốt), mặc dù có khá đông người dân đến liên hệ giải quyết thủ tục hành chính, nhưng ngày hôm đó bộ phận này không có cán bộ nào có mặt tại nơi làm việc. Nhiều người dân thắc mắc, chỉ nhận được lời giải thích chung chung: cán bộ đi học và bận việc, hôm khác đến! Chị Nguyễn Thị Mừng, nhà ở quận Ninh Kiều, có việc phải trở về xã Tân Hưng (nơi sinh trước đây) để làm giấy tờ hộ tịch, nói: “Từ quận Ninh Kiều lên đây hơn 30 km, nhưng đành phải quay về vì không có cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Tôi hỏi ngày mai cán bộ có làm việc không, thì không ai trong UBND xã biết để trả lời. Cán bộ làm việc kiểu này thì thật phiền hà”. Không có cán bộ trực tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính, nhưng UBND xã Tân Hưng cũng không thông báo để người dân biết ngày nào tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, báo hại nhiều người dân ngồi chờ hết buổi mới ra về.

Tôi tìm gặp lãnh đạo UBND xã Tân Hưng đề nghị trả lời thắc mắc của chị Mừng, cũng là thắc mắc của hàng chục người dân ngồi chờ đợi giải quyết thủ tục hành chính hôm đó, nhưng một số cán bộ UBND xã Tân Hưng cho biết là lãnh đạo cũng không có mặt tại cơ quan. Cuối cùng, tôi gặp Bí thư Đảng ủy xã Tân Hưng Nguyễn Quốc Tuấn để trao đổi về vấn đề này. Ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết: “Vào đợt học, thường cán bộ đi học hết, nên không có cán bộ ngồi tiếp dân. Riêng hôm nay, bộ phận “1 cửa” có 4 cán bộ, thì 2 cán bộ đi học; 1 cán bộ nghỉ có việc gia đình; còn 1 cán bộ khác thì xã vừa điều chuyển sang bộ phận khác, chưa có cán bộ thay thế. Đảng ủy có đề nghị cuối buổi học, cán bộ phải quay về trụ sở để giải quyết hồ sơ để không bị tồn đọng công việc”. Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi về việc không có cán bộ nhận hồ sơ, thì lấy đâu ra hồ sơ để giải quyết, ông Nguyễn Quốc Tuấn ậm ừ, rồi cho biết: “Người dân trong xã đã quen với nếp làm việc của cán bộ “một cửa” ở đây rồi, nên họ cũng thông cảm. Nếu có giải quyết hồ sơ giấy tờ thì đi thật sớm hoặc cuối buổi làm việc thì sẽ giải quyết được ngay !”.

Hiện nay, chuyện thờ ơ trong công tác CCHC còn xảy ra ở việc thực hiện các chính sách cho cán bộ “một cửa”. Do đặc thù chia tách khi thành phố, quận, huyện đã kết thúc dự toán ngân sách năm 2008, nên kinh phí hoạt động hành chính gặp nhiều khó khăn, nhất là kinh phí chi hỗ trợ và trang cấp đồng phục cho cán bộ “một cửa” xã, phường. Chủ trương thực hiện trang cấp, hỗ trợ của thành phố áp dụng từ ngày 1-7-2008, nhưng đến nay hầu hết cán bộ “một cửa” của xã, phường mới chia tách vẫn chưa nhận được các chế độ này. Ông Trịnh Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Long Hưng, quận Ô Môn, cho biết: “Phường đã lập hồ sơ thủ tục đầy đủ gửi về quận đề nghị giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa thấy trả lời. Hiện nay, đã gần hết năm, mong quận quan tâm, để cán bộ “một cửa” có điều kiện hơn trong công tác”.

* * *

Từ khi mới chia tách, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo các địa phương quan tâm đến công tác CCHC, nhất là thiết lập bộ phận “một cửa”, tạo thuận lợi cho người dân. Thế nhưng, đến nay việc thực hiện CCHC ở những địa phương này còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, cần sớm được quan tâm giải quyết.

Bài, ảnh: NGUYỄN THANH

Chia sẻ bài viết