24/05/2025 - 21:29

Cơ hội mới cho cuộc chiến lôi kéo nhân tài của Trung Quốc 

Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ còn là cuộc đụng độ về thuế quan hay các cuộc đối đầu ngoại giao mà đó là cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài, cụ thể là các nhà khoa học, kỹ sư và những người tiên phong trong lĩnh vực học thuật được cho sẽ định hình tương lai phát triển của quốc gia.


Chuyên gia Trung Quốc trong một giờ làm việc. Ảnh: SCMP

 

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong cho biết, Trung Quốc vừa đưa ra các sáng kiến tuyển dụng nhằm thu hút các nhà khoa học gốc Hoa đang cân nhắc rời khỏi các trường đại học và phòng thí nghiệm của Mỹ trong bối cảnh giới học thuật ở xứ cờ hoa phải đối mặt với những hạn chế về tài chính và môi trường nghiên cứu dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.

SCMP dẫn lời một nhà địa chất cấp cao giấu tên ở thủ đô Bắc Kinh cho hay, Trung Quốc đang cung cấp nhiều học bổng sau tiến sĩ “rất hấp dẫn” cho các nhà nghiên cứu đang cân nhắc trở lại làm việc tại quốc gia Ðông Á này. Sáng kiến này được coi là phản ứng trực tiếp của Bắc Kinh trước những thách thức về tài chính và chính trị ngày càng tăng tại Mỹ. “Tôi từng nghe nói về những lời đề nghị lên tới 100.000USD/năm trong vòng 3 năm. Mức lương như vậy ngang bằng với mức lương của trợ lý giáo sư và vượt xa mức lương sau tiến sĩ thông thường ở cả 2 quốc gia” - nhà địa chất này cho biết.

Kể từ khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1-2025, Tổng thống Trump đã tìm cách giảm mạnh tài trợ cho các dự án, công trình nghiên cứu và khiến các nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa thấy tương lai ngày càng “mờ mịt”. Theo SCMP, ngân sách năm 2026 do chính quyền ông Trump đề xuất gồm các khoản cắt giảm nguồn tài trợ dành cho các cơ quan nghiên cứu khoa học, gồm khoản cắt giảm 37% ngân sách của Viện Y tế Quốc gia Mỹ và hơn 50% ngân sách Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ. Ngoài ra, nguồn tài trợ cho khoa học khí hậu cũng bị cắt giảm trong khi ngân sách khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) “cùng chung số phận” khi có thể bị “xén” hơn một nửa.

Một nhà sinh vật học người Mỹ gốc Hoa nổi tiếng làm việc tại Mỹ nhiều thập niên cho biết nhiều nhà nghiên cứu ở nước này đang âm thầm đưa ra các lựa chọn riêng. “Nhiều người đang có động thái rời Mỹ. Tuy nhiên, rất ít người sẵn sàng công khai cho đến khi kế hoạch của họ được hoàn thiện” - nhà khoa học này cho hay.

Ngoài ra, rất nhiều chuyên gia gốc Hoa muốn trở về Trung Quốc vì lý do cá nhân. Chính mong muốn được gần gũi với gia đình, muốn có sự đồng điệu về văn hóa cũng như mong muốn xây dựng một cái gì đó ở quê nhà là động lực mạnh mẽ thôi thúc họ quay về nước.

Thật ra, việc Trung Quốc lôi kéo nhân tài từ Mỹ không phải là mới. Trong giai đoạn 2010-2021, gần 20.000 nhà khoa học gốc Hoa đã rời khỏi Mỹ. Giới phân tích cho rằng việc Mỹ mất đi các nhà nghiên cứu hàng đầu một mặt là mối đe dọa đối với lợi thế đổi mới của nước này, gây nguy hiểm cho những đột phá trong tương lai về trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học cũng như công nghệ sạch, mặt khác làm suy yếu quyền lực mềm của Washington. Trái lại, Trung Quốc gặt hái được nhiều lợi ích, bởi những chuyên gia trở về từ Mỹ đang giúp thúc đẩy sự tiến bộ trong các lĩnh vực đổi mới quan trọng của nước này.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc, khoảng 400.000 học viên sau tiến sĩ đã được đào tạo tại nước này trong 4 thập niên qua. Ðáng chú ý, Trung Quốc có hơn 8.800 cơ sở nghiên cứu sau tiến sĩ trên khắp cả nước. Chỉ trong năm ngoái, số cơ sở nghiên cứu này thu hút 42.000 người theo học, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2012. Ðể hỗ trợ những tài năng hàng đầu, Quỹ Khoa học Sau Tiến sĩ Trung Quốc cung cấp tổng cộng 8,3 tỉ nhân dân tệ, mang lại lợi ích cho gần 120.000 nhà nghiên cứu.

Không riêng gì Trung Quốc, châu Âu cũng đang nỗ lực thu hút các nhà khoa học cảm thấy “khó chịu” với các chính sách của Mỹ. Phát biểu tại Hội nghị “Chọn châu Âu vì Khoa học” mới đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố gói ưu đãi trị giá 500 triệu euro nhằm thúc đẩy năng lực nghiên cứu khoa học của Liên minh châu Âu (EU) và thu hút các nhà khoa học hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới. Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Paris sẽ tự đầu tư 100 triệu euro để thu hút nhân tài toàn cầu.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết