|
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) tiếp Thủ tướng Saad al-Hariri tại Nhà Trắng ngày 24-5. Ảnh: AP |
Tại Thủ đô Washington, Thủ tướng Liban Saad al-Hariri ngày 24-5 đã có một loạt cuộc gặp với các quan chức Mỹ, trong đó có Tổng thống Barack Obama. Trước khi sang Mỹ, bắt đầu từ hôm 16-5, ông Hariri đã đến nhiều quốc gia láng giềng quan trọng ở Trung Đông, cụ thể là đến Arabie Séoudite, rồi lần lượt qua Syrie, Jordanie, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm tập hợp ý kiến và nguyện vọng của các nước này về các vấn đề khu vực. Nhật báo Ngôi sao xuất bản bằng tiếng Anh của Liban mô tả đây là chuyến ngoại giao Marathon của Thủ tướng Hariri nhằm tạo môi trường thuận lợi cho nước này trong vai trò chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong tháng 5 này.
Có thể nói, điểm dừng chân quan trọng nhất của ông Hariri là Washington. Trong quan hệ song phương với Mỹ, ông Hariri hy vọng Washington sẽ tiếp tục tăng cường viện trợ an ninh cho Beirut. Thực tế, Mỹ đã hỗ trợ 530 triệu USD cho Liban kể từ năm 2005 nhằm giúp quân đội nước này đủ mạnh để có thể làm đối trọng và tiến tới giải giáp phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah, một chính đảng trong chính phủ hòa hợp dân tộc ở Liban nhưng bị Mỹ coi là “tổ chức khủng bố”. Tuy nhiên, trong tình hình nội bộ dễ đổ vỡ như hiện nay tại Liban, ông Hariri muốn Washington giúp Beirut cải thiện quan hệ với Tel Aviv, nhất là ngăn chặn nguy cơ Israel mở cuộc tấn công quân sự mới chống Hezbollah.
Sự lo ngại của Thủ tướng Liban Hariri là có cơ sở, bởi giới chức Israel mới đây lên tiếng cáo buộc Hezbollah được Syrie trang bị tên lửa tầm xa Scud có thể đe dọa Israel. Ông Hariri khẳng định cáo buộc trên do Israel dàn dựng để đe dọa Liban, đồng thời nhấn mạnh rằng “những cáo buộc này đã gợi nhớ lại những cáo buộc về vũ khí hủy diệt hàng loạt đối với cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein, mà không bao giờ được tìm thấy, và cũng không tồn tại. Israel đang tìm cách lặp lại một kịch bản tương tự đối với Liban, và việc tung ra những đồn đại về tên lửa Scud chỉ là cái cớ để đe dọa nước này”.
Trên bình diện khu vực, Thủ tướng Hariri cho rằng đã đến lúc chính quyền Obama phải khôi phục lại tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine, đồng thời cảnh báo rằng sự thất bại trong việc đạt được thỏa thuận này sẽ khiến nỗi thất vọng và ngờ vực lan rộng trong cộng đồng người Hồi giáo toàn cầu, có thể làm bùng phát làn sóng bạo lực mới, đe dọa an ninh khu vực và thế giới. Về vấn đề hạt nhân của Iran, ông Hariri đã lắng nghe các quan chức Mỹ giải thích về “tầm quan trọng của việc bỏ phiếu thông qua nghị quyết trừng phạt mới” chống chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, điều mà Liban và một số nước khác trong khu vực lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng ông Hariri khó thuyết phục Mỹ từ bỏ chính sách thù địch chống Iran.
KIẾN HÒA
(Theo Thedailystar, Reuters, AFP, AP, Csmonitor)