25/11/2020 - 08:18

Chuyên gia quốc tế sớm đến Trung Quốc điều tra nguồn gốc dịch bệnh 

Châu Âu thử nghiệm siêu máy tính tìm kiếm thuốc điều trị COVID-19

Ngày 23-11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã nhận được sự cam đoan từ phía Trung Quốc rằng các chuyên gia quốc tế có thể đến nước này để hỗ trợ điều tra nguồn gốc của COVID-19 được cho là có thể xuất phát từ động vật.

Chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Phát biểu họp báo trực tuyến, Giám đốc phụ trách ứng phó tình huống khẩn cấp của WHO Michael Ryan nêu rõ: “Chúng tôi hoàn toàn mong đợi và nhận được sự cam đoan từ các cộng sự trong Chính phủ Trung Quốc rằng chuyến công tác đến thực địa sẽ được tạo điều kiện thuận lợi và diễn ra sớm nhất có thể”.

Ðánh giá cao việc Trung Quốc đã tiến hành “một lượng lớn điều tra khoa học”, song ông Ryan nhấn mạnh sự cần thiết của việc triển khai một đội ngũ chuyên gia quốc tế phối hợp cùng các chuyên gia Trung Quốc xem xét và đánh giá các kết quả và các nghiên cứu, cũng như xác minh dữ liệu trên thực địa. Theo quan chức WHO, các chuyên gia quốc tế cần vào cuộc “để cộng đồng quốc tế có thể yên tâm về chất lượng khoa học”.

Các nhà khoa học ban đầu cho rằng SARS-CoV-2 lây từ động vật sang người tại chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, nơi ca mắc đầu tiên được phát hiện hồi cuối năm ngoái. Tuy nhiên, các chuyên gia hiện nay cho rằng chợ này có thể không phải nguồn gốc dịch bệnh, mà là nơi virus phát tán. Các nhà khoa học Trung Quốc hồi tháng 2 khẳng định dịch COVID-19 không bắt nguồn từ chợ hải sản Hoa Nam mà là do một “bệnh nhân số 0” đã mang virus tới đây, sau đó, khu chợ đông đúc với điều kiện vệ sinh kém này đã trở thành môi trường thuận lợi để SARS-CoV-2 lây lan trong người dân.

► Ngày 23-11, một liên danh nghiên cứu của châu Âu cho biết đã thử nghiệm siêu máy tính phức tạp nhất từ trước đến nay để phát hiện và đánh giá hiệu quả của các loại thuốc tiềm năng điều trị COVID-19.

Dưới sự giám sát của nền tảng Excalate4Cov được Ủy ban châu Âu (EC) hỗ trợ, dự án trên khai thác các siêu máy tính của Tập đoàn điện toán Cineca và Tập đoàn năng lượng ENI (đều của Ý), thông qua thử nghiệm 70 tỉ phân tử và đánh giá 1.000 tỉ tương tác. Nhà khoa học Andrea Beccari, trưởng nhóm dự án, chia sẻ: “Chúng tôi đã đạt tới mục tiêu mới là 5 triệu phân tử mô phỏng mỗi giây, nhiều hơn gấp 300 lần và nhanh hơn 500 lần so với thử nghiệm tiến hành tại Mỹ hồi tháng 6”.

Dự án thử nghiệm trên được thực hiện vào cuối tuần trước trên các máy tính có tốc độ xử lý 81 Petaflop (1 Petaflop tương đương với hiệu suất 1.000.000 tỉ phép toán/s). Giai đoạn đầu của dự án đã kết thúc với việc xác định được một loại thuốc điều trị bệnh loãng xương phổ biến có thể làm giảm các triệu chứng của người mắc COVID-19.

PHƯƠNG OANH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết