05/05/2009 - 14:34

Chuyến công du khó khăn của ông Zardari

 Tổng thống Zardari không còn được Washington sủng ái.

Hôm nay 5-5, Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari bắt đầu chuyến công du 4 ngày tới Washington. Trong chuyến đi này, ông Zardari cũng sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh ba bên cùng với Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Afghanistan Hamid Karzai, để thảo luận về chiến lược phối hợp mới ở khu vực biên giới Pakistan - Afghanistan, trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Taliban.

Theo các nhà phân tích, ngoài mặt, Mỹ và Pakistan là những đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng thực tế, bên trong mối quan hệ này rất phức tạp, chứa đựng nhiều sự ngờ vực. Hàng loạt sự kiện gần đây cho thấy sự rạn nứt đó.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ Howard Berman mới đây đã trình Quốc hội dự luật kêu gọi viện trợ quân sự và phát triển cho Pakistan 10 tỉ USD trong 5 năm tới. Tuy nhiên, dự luật kèm theo các điều kiện mà ngay cả chính phủ ổn định nhất ở Pakistan cũng khó đáp ứng, chứ nói gì tới chính quyền non trẻ của ông Zardari. Điều kiện đó là Islamabad phải cam kết lâu dài chống khủng bố, đóng cửa các trại huấn luyện Taliban ở khu vực bộ tộc và các vùng khác. Từ sau sự kiện 11-9-2001 tới nay, Mỹ đã viện trợ 11 tỉ USD giúp Pakistan chống khủng bố. Dưới thời cựu Tổng thống George Bush, Mỹ không yêu cầu bất cứ hoạt động kiểm toán nào đối với các quỹ viện trợ cho Pakistan, mặc dù nhiều người phàn nàn là kết quả đạt được khá nhỏ bé so với khoản chi khổng lồ. Trong khi đó, dự luật của ông Berman đòi Pakistan phải tổ chức kiểm toán mới được nhận viện trợ.

Do tình hình an ninh trong nước diễn biến phức tạp, Tướng Ashfaq Parvez Kayani, Tổng Tư lệnh quân đội Pakistan, không tháp tùng Tổng thống Zardari trong chuyến thăm Mỹ. Điều này làm Washington rất tiếc, bởi họ từng công khai nói rằng quan tâm tới quân đội Pakistan nhiều hơn chính quyền của ông Zardari. Trong cuộc họp báo tuần rồi, Tổng thống Obama cũng ngầm làm suy yếu vai trò ông Zardari khi nói chính quyền Islamabad là kém cỏi, trong khi tin tưởng quân đội Pakistan đủ khả năng kiểm soát vũ khí hạt nhân của nước này và ngăn chặn các phần tử cực đoan. Trước khi ông Zardari lên đường tới Washington, báo giới Mỹ tiết lộ Nhà Trắng hiện đang tìm cách đưa ông Nawaz Sharif, Chủ tịch Liên đoàn Hồi giáo Nawaz (PML-N), đối thủ của ông Zardari và được xem là gần gũi hơn với quân đội, vào ghế thủ tướng thay ông Yousuf Raza Gilani.

Tại Pakistan, thậm chí có tin cho rằng Washington đã đưa ra kỳ hạn 2 tuần để Islamabad “xử lý” Taliban hoặc Mỹ sẽ can thiệp quân sự. Washington đang lo ngại về khả năng vũ khí hạt nhân của Pakistan rơi vào tay khủng bố, sau khi Taliban tấn công tới khu vực cách Thủ đô Islamabad khoảng 100 km vài tuần qua.

Có thể chưa tới mức “thay ngựa giữa dòng”, nhưng rõ ràng Mỹ đang muốn tước bớt quyền lực của Tổng thống Zardari. Xem ra chuyến công du này khó có thể giúp ông Zardari thay đổi được tình hình.

N.MINH (Theo THX, PTI, Reuters)

Chia sẻ bài viết