20/01/2010 - 08:46

Hướng tới Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam TP Cần Thơ lần thứ I - năm 2010

Chung tay xây dựng quê hương

Thành phố Cần Thơ hiện có hơn 15.000 người Hoa sinh sống. Đa số đồng bào dân tộc Hoa trên địa bàn thành phố sống bằng nghề mua bán, kinh doanh, sản xuất tiểu thủ công nghiệp... có đời sống kinh tế rất ổn định. Trong số đó, có nhiều đồng bào người Hoa đã không ngừng vượt khó, vươn lên làm giàu cho bản thân, đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng quê hương Cần Thơ ngày càng phát triển...

Từ lâu, các sản phẩm nhôm gia dụng mang nhãn hiệu “Tân Đức Thành” đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân ĐBSCL, nhưng ít ai biết rằng, để gầy dựng nên thương hiệu ấy, ông Từ Quới Minh, người dân tộc Hoa ở TP Cần Thơ, đã phải vượt qua bao khó khăn. “Có lúc, tôi tưởng chừng mình phải từ bỏ “nghiệp” kinh doanh, nhưng rồi lòng đam mê cộng với ý chí quyết tâm đã giúp tôi vượt qua để xây dựng thương hiệu nhôm Tân Đức Thành đứng vững trên thương trường”- Ông Minh bộc bạch.

Ông Từ Quới Minh, chủ doanh nghiệp xưởng nhôm Tân Đức Thành giới thiệu các sản phẩm của doanh nghiệp.  

Xuất thân trong một gia đình người dân tộc Hoa chuyên làm gạch và mua bán, từ nhỏ, 5 anh em ông Minh đã học được từ cha mẹ sự nhạy bén, khéo léo trong kinh doanh. Riêng ông Minh, sau một thời gian làm việc trong cơ sở đúc chân vịt nhôm cho các máy thủy động cơ của người anh ruột, năm 24 tuổi, ông quyết định mở cơ sở đúc nhôm của riêng mình. Do nguồn vốn hạn chế và ít kinh nghiệm thị trường nên ban đầu, ông mua nhôm phế liệu về để tái chế, sản xuất thành những món đồ nhôm nhỏ, như: muỗng, vá, sạn... dần dần sản xuất thêm thau nhôm. Giữa lúc làm ăn đang suôn sẻ thì bất ngờ thị trường “chuyển hướng”, do người tiêu dùng chuyển sang ưa chuộng các loại thau nhựa. Ông Minh nhớ lại: “Lúc đó, hàng làm ra bán không chạy, trong khi để duy trì cơ sở sản xuất phải trả lương công nhân và bao khoản chi phí khác... tôi tưởng chừng mình phải từ bỏ việc kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, tôi quyết định đầu tư thêm để chuyển sang sản xuất những mặt hàng chịu lửa như xoong, nồi, chảo, ấm... là những sản phẩm mà hàng nhựa không thể cạnh tranh được. Bên cạnh việc đa dạng mẫu mã, tôi đặc biệt chú trọng chất lượng, mỗi sản phẩm “Tân Đức Thành” trước khi đưa ra thị trường đều được kiểm tra kỹ càng, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu. Để bảo vệ hàng hóa và giúp người tiêu dùng lựa chọn đúng sản phẩm của cơ sở mình, tôi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa Tân Đức Thành với logo hình bông sen...”. Quyết định đầu tư táo bạo, đúng lúc của ông Minh đã giúp cơ sở vượt qua giai đoạn khó khăn và ngày càng phát triển. Hiện nay, mặc dù sản phẩm gia dụng bằng nhôm đang bị cạnh tranh khốc liệt từ các mặt hàng inox, nhưng nhờ thường xuyên cập nhật thông tin cũng như thay đổi mẫu mã kiểu dáng, cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư mới dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh nên mặt hàng “Tân Đức Thành” vẫn đứng vững trên thị trường. Trung bình mỗi năm cơ sở của ông đóng thuế cho Nhà nước khoảng 400 triệu đồng, bảo đảm việc làm ổn định cho gần 100 công nhân. Vợ chồng ông cũng rất tự hào khi cả 4 người con đều ăn học thành tài, đang nối nghiệp cha để mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh của gia đình. Ông Từ Quới Minh chia sẻ: “Theo tôi, người muốn thành công trong kinh doanh, ngoài sự đam mê phải có bản lĩnh và nghị lực, quyết tâm vượt qua trở ngại. Riêng bản thân mình, tôi rất phấn khởi khi Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình”.

Vươn lên từ gian khó nên khi cuộc sống khá hơn, vợ chồng ông Từ Quới Minh luôn mở rộng tấm lòng với những trường hợp gặp khó khăn trong cuộc sống. Không chỉ giúp cho nhiều lao động có việc làm, thu nhập ổn định, vợ chồng ông thường xuyên ủng hộ tiền, tình nguyện theo các đoàn y, bác sĩ khám và phát thuốc miễn phí cho bà con ở nhiều địa phương. Ông là mạnh thường quân tích cực ở các địa phương nơi gia đình ông sinh sống và mở cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là trong các đợt quyên góp quỹ vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, giúp đồng bào bị thiên tai...

***

Ông Lưu Kiến Minh, Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Ngọc Trân đang kiểm tra nguồn hàng chuẩn bị phục vụ thị trường Tết.  

Trời về trưa, ở kho chứa hàng của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Ngọc Trân ở đường Nguyễn Văn Cừ, các chuyến xe chất đầy hàng hóa vẫn tấp nập ra, vào. Ông Lưu Kiến Minh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Ngọc Trân, cho biết: “Dịp Tết này, công ty dự kiến sẽ bán đạt doanh số 6 tỉ đồng”.

Thừa nhận mình có “khiếu” mua bán từ nhỏ, thế nhưng mãi đến khi nghỉ hưu vào năm 2004, ông Lưu Kiến Minh mới bắt tay vào việc kinh doanh. Ông kể: “Trước đây, khi tôi còn làm việc trong cơ quan Nhà nước, gia đình có mở cơ sở kinh doanh nhỏ, sau đó đăng ký thành Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Ngọc Trân, do vợ tôi quản lý. Lúc đó, công ty chủ yếu bán sỉ và lẻ một số mặt hàng bánh, kẹo, nước giải khát... cho khách hàng ở nội ô thành phố Cần Thơ (cũ). Từ khi tập trung toàn thời gian cho việc mua bán, tôi cùng vợ chủ động lên TP Hồ Chí Minh, liên lạc với một số công ty nhận hàng về phân phối trên địa bàn Cần Thơ. Phương châm của tôi là phải luôn đặt chữ “tín” lên hàng đầu trong kinh doanh. Hàng hóa bán ra phải đảm bảo chất lượng, giao hàng kịp thời, trả tiền đàng hoàng... nên tạo được sự tin tưởng của các công ty và khách hàng”. Nhờ nhanh nhạy và giữ uy tín trong kinh doanh nên ngày càng nhiều doanh nghiệp chọn công ty Ngọc Trân của gia đình ông Lưu Kiến Minh làm đơn vị phân phối hàng hóa. Hiện nay, công ty của ông độc quyền phân phối các mặt hàng bánh, kẹo các loại của Công ty Cổ phần Kinh Đô ở thị trường TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Ngoài ra, công ty còn nhận phân phối các mặt hàng nước giải khát của Công ty Cổ phần Nước giải khát Sài Gòn (TRIBECO); sản phẩm bánh, kẹo của Công ty Cổ phần VINABICO; các sản phẩm đóng hộp của Công ty Cổ phần Đồ hộp Hạ Long chi nhánh TP Hồ Chí Minh; trà, cà phê Tâm Châu, nước uống tinh khiết... Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

Theo ông Ong Đức Phát, cán bộ phụ trách Phòng Công tác người Hoa thuộc Ban Dân vận Thành ủy Cần Thơ, vợ chồng ông Kiến Minh còn là một trong những người tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động như: đóng góp quỹ vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa; hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, mua tập sách cho học sinh nghèo nhân dịp tựu trường hay ủng hộ quà bánh trung thu cho các thiếu nhi nghèo...

***

Nói về sự phát triển của Công ty cổ phần May Meko, nhiều công nhân viên đang làm việc nơi đây phấn khởi cho biết: “Hiện công ty đang xây dựng thêm 2 dây chuyền mới nhằm mở rộng quy mô sản xuất, kịp thời phục vụ khách hàng. Mấy năm nay, công ty làm ăn khấm khá, thu nhập của công nhân từng bước tăng lên nên công nhân phấn khởi lắm”. Nhiều công nhân viên công ty khẳng định, để có được niềm vui ấy, bên cạnh sự nỗ lực của tập thể, người đã góp công lớn để công ty ngày càng phát triển, đứng vững trong quá trình hội nhập kinh tế của đất nước là ông Trần Chí Gia, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty.

Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty cổ phần May Meko thăm phân xưởng sản xuất.

Trò chuyện với ông Trần Chí Gia, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi biết người giám đốc quản lý gần 1.600 cán bộ công nhân viên từng là một thầy giáo dạy văn cấp 3 ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Sau 9 năm dạy học, năm 1989, ông xin vào làm việc tại Xí nghiệp May mặc xuất khẩu Meko (tiền thân của Công ty Cổ phần May Meko). Năm 1998, ông Trần Chí Gia được tín nhiệm đề bạt giữ chức Giám đốc Xí nghiệp. Ông nhớ lại: “Thời điểm tôi mới nhận nhiệm vụ, Xí nghiệp Meko cũng vừa vượt qua giai đoạn lỗ lã, bắt đầu làm ăn có lãi. Tuy nhiên, quy mô sản xuất còn nhỏ, trang thiết bị chưa được cải tiến...”. Để cải thiện tình hình sản xuất, kinh doanh, ông Chí Gia đã tổ chức cho một số cán bộ của xí nghiệp đến học tập, trao đổi kinh nghiệm với nhiều doanh nghiệp trong, ngoài nước. Từ những kinh nghiệm đúc kết được, Xí nghiệp từng bước cải tiến, mở rộng nhà xưởng, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại. Ông cũng yêu cầu rà soát giảm bớt nhân lực ở các bộ phận phụ trợ và văn phòng, đảm bảo bộ máy quản lý gọn nhẹ, nhân lực vừa đủ nhưng hiệu quả cao. Bên cạnh cải tiến công tác quản lý, chế độ tiền lương của công nhân, xí nghiệp đẩy mạnh phong trào thi đua, động viên cán bộ công nhân viên tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm, đảm bảo chất lượng hàng hóa... Năm 2005, thực hiện chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp của Nhà nước, xí nghiệp được chuyển đổi thành Công ty Cổ phần May Meko. Ông Trần Chí Gia cho biết: “Từ một đơn vị kinh tế nhà nước, khi chuyển sang cổ phần, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng nhờ chủ động thay đổi phương pháp quản lý, nhất là nhờ thường xuyên công khai tình hình hoạt động, khơi dậy tinh thần đoàn kết, quyết tâm phấn đấu của tập thể công nhân viên mà công ty vượt qua khó khăn, tăng trưởng vượt bậc so với trước đây”. Hiện nay, Công ty Cổ phần May Meko chuyên sản xuất các loại áo lông vũ, các loại quần, áo khoác mùa đông cung cấp chủ yếu thị trường ở Nhật Bản. Vốn điều lệ của công ty từ 8 tỉ đồng đến nay đã tăng lên 20 tỉ đồng. Số lượng cán bộ công nhân viên tăng từ 400 người lên gần 1.600 người; lương bình quân công nhân tăng đạt gần 2 triệu đồng/ người/ tháng. Năm 2009, lợi nhuận sau thuế của công ty ước đạt 6,7 tỉ đồng... Ngoài thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế, Công ty còn tích cực tham gia đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai...

Để cùng tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty thực hiện thắng lợi mục tiêu mở rộng thị trường, nâng cao sản lượng trong năm 2010, dù bận rộn với công việc, nhưng ông Trần Chí Gia luôn dành thời gian để thăm hỏi, động viên tinh thần làm việc của các cán bộ, công nhân viên, nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đoàn kết “trên dưới một lòng” để cùng hoàn thành nhiệm vụ. Theo ông Gia, đó cũng là yếu tố quan trọng nhất mà người lãnh đạo cần phải làm để đưa công ty ngày càng phát triển. Ông Trần Chí Gia tâm sự: “Những lúc khó khăn nhất, tôi luôn động viên mình và anh em phải giữ vững ý chí, không chấp nhận thua cuộc, bên cạnh đó, phải luôn có ý thức học hỏi, chủ động nắm bắt xu thế phát triển từ đó đề ra hướng đi đúng đắn... Đó cũng là một trong những phương pháp điều hành của tôi để phấn đấu lãnh đạo công ty phát triển hơn nữa”.

Bài, ảnh: THANH THY

Chia sẻ bài viết