10/02/2019 - 14:15

Chung tay giải cứu đại dương 

Trong bối cảnh thiên nhiên bị tàn phá nghiêm trọng vì những hoạt động của con người, các nhà lãnh đạo thế giới cũng như nhiều tổ chức và cá nhân đang tích cực tham gia cuộc chiến giải cứu các đại dương.

Cá voi chết vì nuốt rác thải nhựa dạt vào bờ biển Indonesia. Ảnh: Reuters

Cá voi chết vì nuốt rác thải nhựa dạt vào bờ biển Indonesia. Ảnh: Reuters

Rác thải nhựa sẽ nhiều hơn cá

Trong vô số mối nguy nhằm vào các đại dương, ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề được quan tâm hàng đầu, bởi lẽ tình trạng này đang dần cướp đi sự sống của nhiều sinh vật biển. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (LHQ), hàng năm, khoảng 8-13 triệu tấn rác thải nhựa bị đổ ra biển, ước tính gây thiệt hại cho hệ sinh thái lên tới 13 tỉ USD.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 73 Maria Fernanda Espinosa mới đây đã lên tiếng cảnh báo về viễn cảnh đến giữa thế kỷ này, lượng rác thải nhựa trong đại dương sẽ nhiều hơn cá. Còn theo một kịch bản của tổ chức Ocean Conservancy và hãng tư vấn McKinsey, tới năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa trên đại dương. Các chuyên gia ước tính, đến năm 2050, thế giới sẽ có thêm 33 tỉ tấn nhựa được sản xuất và phần lớn trong số đó cuối cùng sẽ đến các đại dương - nơi mà chúng sẽ “trôi nổi” trong hàng trăm năm.

Những con số đáng quan ngại

Theo LHQ, mỗi năm con người thải ra một lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất 4 lần. Các nhà khoa học ghi nhận rằng lượng nhựa được tiêu dùng trong 50 năm qua đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 2 thập niên tới. Điều đáng sợ là loại chất dẻo này có đặc tính khó phân hủy. Chẳng hạn như một chiếc túi nylon chỉ mất 5 giây để sản xuất, có khi chỉ được sử dụng trong 5 phút và chỉ cần 1 giây để vứt bỏ, song thời gian cần phân hủy nó là từ 500-1.000 năm. Trên thực tế, cảnh tượng cá voi, rùa biển…chết vì rác thải nhựa không ít lần khiến con người ám ảnh. Như hồi cuối tháng 11-2018, một xác cá nhà táng trôi dạt vào bờ biển Indonesia và được tìm thấy trong tình trạng chứa 115 ly nhựa, 25 túi nylon và 2 chiếc dép lê bên trong bao tử.

Không chỉ có sinh vật biển, ngay cả con người cũng đang chịu ảnh hưởng sức khỏe to lớn khi môi trường biển bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đại học Y khoa Vienna (Áo) mới đây loan báo về sự hiện diện của 9 loại vi hạt nhựa bên trong cơ thể người. Số là sau khi phân tích mẫu phân của 8 người tới từ nhiều nước châu Âu, các nhà nghiên cứu phát hiện trung bình có khoảng 20 vi hạt nhựa trong  mỗi 10gr phân. Các vi hạt nhựa được tìm thấy có kích thước rất nhỏ, từ 50-500 µm, phổ biến nhất là loại nhựa polypropylene (PP) và polyethylene terephthalate (PET). Điều đó chứng tỏ con người đang nuốt phải chúng cùng với thức ăn mỗi ngày.

Một tác phẩm nhằm gia tăng nhận thức về rác thải nhựa trên đại dương được trưng bày tại Melbourne, Úc. Ảnh: China Daily

Một tác phẩm nhằm gia tăng nhận thức về rác thải nhựa trên đại dương được trưng bày tại Melbourne, Úc. Ảnh: China Daily

Nỗ lực làm sạch đại dương

Hiện châu Âu đang đi đầu trong nỗ lực chống ô nhiễm rác thải nhựa, khi Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định cấm nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần và tái chế toàn bộ bao bì nhựa vào năm 2030.

Tại Nam Mỹ, Chile đã trở thành quốc gia đầu tiên thông qua lệnh cấm túi nylon dùng 1 lần. Colombia giảm 35% mức tiêu thụ túi nylon sau khi đánh thuế đối với loại túi to, trong khi thay đổi thiết kế nhằm sản xuất loại túi có thể tái sử dụng. Ngoài ra, các quốc gia khác trong khu vực cũng có động thái tương tự như Panama, Costa Rica, Ecuador, Peru…

Tại châu Phi, nhiều nước - bao gồm Botswana, Ethiopia, Kenya tới Nam Phi, Uganda - đã đưa ra các biện pháp như quy định độ dày của túi nhựa.

Riêng tại châu Á, Nhật Bản đã ban hành hẳn một luật về rác thải biển. Thái Lan xem xét áp thuế với túi nylon và sản xuất túi nylon có khả năng tự phân hủy hoặc loại túi nylon mỏng hơn. Trong khi đó, Indonesia mới đây cam kết sẽ loại bỏ rác thải nhựa trên biển để bảo vệ môi trường và các loài sinh vật biển. Đất nước sở hữu hơn 17.000 hòn đảo này thậm chí huy động quân đội tham gia “cuộc chiến” với cam kết tới năm 2025 sẽ giảm 70% lượng rác thải nhựa trên biển.

Trong năm qua, nhiều sáng kiến giảm rác thải nhựa cấp địa phương cũng được triển khai. Đơn cử, Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia, đang thử nghiệm cho người dân đổi rác thải nhựa lấy vé xe buýt. Theo đó, nếu nộp chai nhựa để tái chế, họ sẽ nhận được vé xe buýt miễn phí trong thành phố. Tương tự, khi người dân tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ bỏ một chai nhựa vào máy mua rác tự động, họ có thể tích một khoản tiền vào thẻ dùng mua vé tàu điện ngầm.

Không chỉ có nỗ lực từ giới chức, nhiều công ty và cá nhân nổi tiếng trên thế giới cũng đang tham gia vào phong trào giảm rác thải nhựa bằng cách nói “không” với túi nylon trong tiêu dùng hàng ngày.  Đơn cử, hai chuỗi siêu thị hàng đầu của Úc là Coles và Woolworths hồi tháng 7-2018 đã cấm sử dụng túi nhựa sử dụng một lần tại các cửa hàng của họ trên toàn quốc. Hành động này đã giúp ngăn chặn khoảng 1,5 tỉ túi nylon thải vào môi trường chỉ trong ba tháng thực hiện.

Đối với những cá nhân đi đầu trong cuộc chiến chống ô nhiễm rác thải nhựa, không thể không nhắc đến dự án Dọn sạch đại dương Ocean Cleanup, do nam sinh người Hà Lan Boyan Slat khởi xướng. Mục tiêu tham vọng của Ocean Cleanup là dọn sạch 90% rác thải đại dương vào năm 2040 bằng các đường ống chuyên thu thập rác thải. Tháng 9-2018, dự án đã khởi động hệ thống dọn rác dưới biển đầu tiên ở vùng biển giữa San Francisco và Hawaii của Mỹ. Với diện tích gấp đôi bang Texas, đây là một trong năm bãi rác thải trên biển lớn nhất thế giới.

NGUYỆT CÁT

Chia sẻ bài viết