20/12/2010 - 21:10

Trường Đại học An Giang

Chú trọng công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên

Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những hoạt động hỗ trợ tích cực cho việc dạy và học ở các trường đại học (ĐH). Vì thế, những năm qua, Trường ĐH An Giang rất chú trọng đến hoạt động NCKH trong sinh viên. Nhiều đề tài NCKH của sinh viên có khả năng ứng dụng vào thực tế cao, mang lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên, NCKH trong sinh viên vẫn còn không ít khó khăn, đòi hỏi có sự đầu tư mang tính đột phá.

* Hiệu quả tích cực

Cuối năm 2010, trên ruộng thực nghiệm ở xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, hàng trăm sinh viên Trường ĐH An Giang miệt mài thực hiện các công đoạn: thu hoạch lúa để đong, đếm, cân hạt lúa hoặc xem bệnh trên cây lúa... Bạn Nguyễn Văn Nhựt, sinh viên ngành Trồng Trọt khóa 8, khoa Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên (NN&TNTN), đang thực hiện đề tài “Thanh lọc giống kháng bệnh vàng lùn (RGSV) trên 10 giống lúa ở điều kiện nhà lưới Trường ĐH An Giang”. Nguyễn Văn Nhựt cho biết: “Trong hơn 100 giống lúa được trồng trên ruộng thực nghiệm, tôi chỉ thu hoạch 20 giống lúa/ đợt để đếm hạt chắc, hạt lép... Từ đó, đánh giá thành phần năng suất và thanh lọc loại giống tốt nhất, có khả năng chống chịu sâu bệnh, biến đổi khí hậu... Những số liệu này, tôi sẽ bổ sung vào đề tài NCKH của mình”.

Thầy, trò Trường ĐH An Giang đang nghiên cứu các giống lúa vừa được thu hoạch trên ruộng thực nghiệm. 

Tương tự, Phan Thị Việt Hương, cùng lớp với Nhựt, đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu khả năng rầy tuổi 3 truyền được RGSV trong nhà lưới Trường ĐH An Giang”. Hương cho biết: “Trên ruộng thực nghiệm này, tôi có thể nghiên cứu các giống rầy gây hại trên lúa chính xác hơn so với trong điều kiện nhà lưới. Từ đó, xác định giống rầy ở lứa tuổi nào gây bệnh nặng nhất cho lúa, khuyến cáo cho nông dân xịt rầy ở giai đoạn phù hợp. Qua thí nghiệm, tôi thấy rằng rầy ở lứa tuổi 3 gây bệnh nặng nhất cho lúa...”. Để thực hiện đề tài này đòi hỏi người thực hiện phải thu thập nhiều giống rầy nhưng rầy không phải lúc nào cũng có. Do đó, Hương cùng các bạn phải thường xuyên xuống các đồng ruộng của nông dân ở vùng ven TP Long Xuyên để “canh” bắt rầy. Hương tâm sự: “Tham gia NCKH cực nhưng vui. Qua đây, chúng tôi học được kỹ năng giao tiếp, cách làm việc theo nhóm, năng động và tự tin hơn. Trước đây, khi nhắc đến sâu bệnh, rầy, tôi chưa hình dung nó như thế nào. Giờ thì tôi không chỉ biết mà còn nắm được từng giai đoạn sinh trưởng của chúng”.

Thạc sĩ Nguyễn Phú Dũng, giảng viên Khoa NN&TNTN- cán bộ hướng dẫn đề tài cho Hương, Nhựt, cho biết: “Sinh viên khi tham gia NCKH vừa rèn luyện được “kỹ năng mềm”, vừa ứng dụng nhanh những kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống. Hai đề tài của Hương, Nhựt được đánh giá khá cao và đang triển khai trên đồng ruộng. Nếu kết quả nghiên cứu của 2 đề tài này thành công sẽ giúp bà con nông dân lựa chọn loại giống tốt nhất, cũng như cách phòng, chống rầy trên lúa hiệu quả”. Hương, Nhựt là hai trong hàng trăm sinh viên của Trường ĐH An Giang say mê NCKH. Trước đây, đã có những sinh viên tham gia cùng với giảng viên thực hiện đề tài nghiên cứu trong canh tác nông nghiệp vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gần nhất, đề tài “Xử lý khí H2S và NH3 phát sinh trong quá trình sấy thức ăn gia súc bằng phương pháp hấp thu” của Ngô Thúy An, sinh viên ngành Kỹ thuật môi trường. Đề tài có tính mới lạ, góp phần bảo vệ môi trường trong quá trình chế biến thức ăn ở các nhà máy đã thuyết phục được Hội đồng khoa học nhà trường đồng ý cho An điểm trên 9 (loại Giỏi). Nếu được hỗ trợ, đề tài của An có thể ứng dụng thực tế sản xuất, hạn chế mức thấp nhất lượng khí thải độc hại ảnh hưởng môi trường...

* Cần có sự đầu tư lâu dài

Tiến sĩ Trần Thanh Sơn, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế Trường ĐH An Giang, cho biết: “Hoạt động NCKH không thể thiếu trong đào tạo ở một trường ĐH. Xác định vai trò quan trọng này mà những năm gần đây, Ban Giám hiệu trường đã có nhiều giải pháp như đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ sau đại học, tăng cường thêm một số trang thiết bị thực hành... để phục vụ cho hoạt động NCKH”. Qua thống kê của Trường ĐH An Giang, năm học 2005-2006, trường chỉ có 172 đề tài NCKH của sinh viên, đến năm học 2008-2009 có 696 đề tài NCKH. Trong số đề tài này, có những đề tài phục vụ thiết thực cho công tác giảng dạy và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

Tuy đề tài NCKH của sinh viên Trường ĐH An Giang có gia tăng nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn thấp, bởi phần lớn đề tài NCKH tập trung ở sinh viên ĐH năm thứ 4. Toàn trường có trên 11.000 sinh viên, trong đó có khoảng 5.000 sinh viên ĐH. Theo Tiến sĩ Trần Thanh Sơn, trong số sinh viên ĐH chỉ có khoảng 2.000 sinh viên ĐH năm thứ 4. Như vậy, số sinh viên thực sự tham gia NCKH chỉ chiếm trên 34% số sinh viên năm 4. Điều này cho thấy, đề tài NCKH trong sinh viên vẫn còn ít so với tiềm năng, phạm vi đề tài ứng dụng vào sản xuất còn “khiêm tốn”. Tiến sĩ Sơn băn khoăn: “Kinh phí cấp cho mỗi đề tài còn thấp (2 triệu đồng/ đề tài), trong khi đó để thực hiện hoàn tất 1 đề tài, phải cần khoảng 5 triệu đồng. Hầu hết sinh viên tham gia NCKH tìm nguồn kinh phí bằng cách thông qua đề tài lớn của cán bộ hướng dẫn”.

Một khó khăn khác là điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành của trường vẫn còn thiếu thốn, ít nhiều làm hạn chế việc NCKH trong sinh viên. Bạn Việt Hương kể: “Khu thí nghiệm trong nhà lưới khá chật hẹp, không đủ chuẩn. Trước đây có 1 chị thực hiện đề tài NCKH liên quan đến lúa. Sau một thời gian thử nghiệm trong điều kiện nhà lưới thì phải làm lại thí nghiệm từ đầu. Bởi, nhà lưới không đủ kín, cào cào xâm nhập vào cắn rụng lúa hết”. Còn bạn Nguyễn Văn Nhựt, cho biết, môt số trang thiết bị phục vụ cho NCKH của trường lạc hậu, thiếu máy kiểm tra để phát hiện bệnh trên cây. Khi thực hiện thí nghiệm, sinh viên phải mượn hoặc mướn máy. Dĩ nhiên, chi phí thuê máy sinh viên phải linh động tìm mạnh thường quân hoặc tự xuất tiền túi...

* * *

Rõ ràng, hoạt động NCKH trong sinh viên sẽ góp phần nâng cao hơn chất lượng đào tạo của một trường ĐH. Bởi, nó giúp sinh viên rèn luyện thêm “kỹ năng mềm”, ứng dụng được những kiến thức đã học vào thực tế. Tuy nhiên, hoạt động NCKH của sinh viên Trường ĐH An Giang còn nhiều hạn chế, khó khăn. Bày tỏ mong muốn của mình, Tiến sĩ Trần Thanh Sơn nói: “Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị tăng thêm nhiều nguồn kinh phí cho đề tài NCKH của sinh viên. Đồng thời, nhà trường công bố các đề tài NCKH của sinh viên có giá trị thực tế cao trên trang web của trường và qua phương tiện thông tin đại chúng để nhiều đơn vị, mạnh thường quân biết đến, hỗ trợ cho sinh viên say mê hơn công việc NCKH”.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết