06/04/2011 - 21:37

Chính phủ Mỹ có nguy cơ đóng cửa

Dự thảo ngân sách bị ách ở quốc hội, Chính phủ Mỹ sắp hết tiền hoạt động. Ảnh: AP

Hoạt động của chính phủ Mỹ có nguy cơ bị đình lại vì hết kinh phí nếu đến ngày 8-4 mà hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội vẫn không thỏa thuận được với nhau về ngân sách cho 6 tháng còn lại của tài khóa 2011.

Tổng thống Barack Obama đã gặp Chủ tịch Hạ viện John Boehner tại Nhà Trắng hôm 5-4, nhưng hai bên không thể xóa bỏ những khác biệt về kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách. Phát biểu trong cuộc họp báo sau đó, ông Obama cho biết hai bên đã tiến gần hơn trước về mức cắt giảm, nhưng còn nhiều khác biệt về lập trường, quan điểm. Đảng Cộng hòa kêu gọi ủng hộ chủ trương kéo dài nghị quyết cấp kinh phí tạm thời thêm một tuần. Tuy nhiên, Tổng thống Obama nhấn mạnh ông không hào hứng với một nghị quyết về kinh phí tạm thời mà muốn có một thỏa thuận dài hạn hơn để quốc hội bỏ phiếu thông qua.

Trước đó, ngày 19-2, Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa kiểm soát đã bỏ phiếu thông qua việc cắt giảm 61 tỉ USD chi tiêu liên bang đến cuối tháng 9-2011 trong tổng số ngân sách mà Tổng thống Obama đề nghị là 3.700 tỉ USD. Việc cắt giảm này sẽ dẫn đến sụt giảm 10% chi tiêu của hàng trăm chương trình do Chính phủ Mỹ quản lý. Trong khi đó, đảng Dân chủ, với đa số ghế ở Thượng viện, chỉ đồng ý cắt giảm 33 tỉ USD. Mới đây, Tổng thống Obama đã phải trấn an dư luận rằng ông cùng đảng Dân chủ đang đề nghị cắt giảm ngân sách 73 tỉ USD, trong đó có các chương trình rất được quan tâm nhưng ngoại trừ các chương trình cần thiết cho việc tăng trưởng kinh tế, như giáo dục, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển.

Tuy nhiên, mâu thuẫn lớn nhất về ngân sách giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa không chỉ dừng lại ở số tiền phải cắt giảm mà còn ở những lĩnh vực cần cắt giảm. Trong khi phe Cộng hòa muốn bỏ phần lớn chi tiêu cho Chương trình cải cách y tế của ông Obama và chi phí về bảo vệ môi trường, thì phía Dân chủ lại coi đây là những ưu tiên cần được đầu tư.

Nghị quyết cấp kinh phí tạm thời cho chính phủ Mỹ hoạt động sẽ hết hạn vào ngày 8-4 tới. Nếu hết ngày đó, hai bên không thể đi đến một thỏa thuận về ngân sách thì chính phủ bị đóng cửa, chỉ còn các dịch vụ thiết yếu tiếp tục hoạt động. Nhằm ngăn chặn nguy cơ này, Tổng thống Obama đã kêu gọi các đối thủ Cộng hòa hành xử đúng mực và thỏa hiệp trong đàm phán. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng khả năng hai bên đạt được sự đồng thuận là rất thấp.

N. KIỆT
(Theo Guardian, WSJ, TTXVN)

Chính phủ Mỹ đã nhiều lần phải đóng cửa vì quốc hội không thông qua ngân sách và gần đây nhất là dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton. Cụ thể là vào tháng 11-1995 và tháng 1-1996, với hơn 1 triệu viên chức đã phải nghỉ việc, gần 480.000 người khác làm việc mà không được trả lương. Các đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài ngừng hoạt động khiến hơn 20.000 người nước ngoài không được cấp thị thực vào Mỹ mỗi ngày. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch, các công viên cùng nhiều dịch vụ công cộng khác cũng bị đóng cửa, hơn 600 điểm thu gom rác trên toàn nước Mỹ không hoạt động, trong khi các doanh nghiệp nhận hợp đồng của chính phủ bị ảnh hưởng nặng nề. Thống kê của Mỹ cho thấy tổng thiệt hại của 2 lần đóng cửa năm 1995-1996 lên tới 1,4 tỉ USD. Các nhà phân tích dự báo nếu Chính phủ Mỹ đóng cửa vào thời điểm hiện nay thiệt hại đối với kinh tế Mỹ sẽ lớn hơn rất nhiều.


Chia sẻ bài viết