Từng nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19, Chile đang tiệm cận nhóm các quốc gia hàng đầu về việc tiêm vaccine cho người dân, chẳng hạn như Israel.
Theo một cuộc khảo sát, hơn 72% người dân Chile đồng ý tiêm vaccine. Ảnh: oaoa.com
Hiện mới chỉ có 4% dân số Brazil được tiêm vaccine và Argentina là khoảng 3%. Trong khi đó, với hơn 25% dân số Chile đã nhận ít nhất một liều vaccine, đất nước 19 triệu dân này hiện là nhà vô địch ở Mỹ Latin. Vậy đâu là “bí quyết” thành công của Chile?
Đầu tiên là chuyện đàm phán sớm. Theo Hãng tin AP, các cuộc thương lượng chính thức giữa Chính phủ Chile và các công ty sản xuất vaccine đã khởi động hồi tháng 4 năm ngoái, chỉ một tháng sau khi COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là đại dịch. Đến tháng 6-2020, Chile ký hợp đồng với Sinovac sau khi vaccine Coronavac của hãng dược Trung Quốc này được phê duyệt. Ngoài ra, Chile cũng là một phần trong cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của Coronavac bắt đầu hồi cuối năm ngoái với sự tham gia của 2.300 nhân viên y tế. Những thử nghiệm đối với vaccine của AstraZeneca (Anh/Thụy Điển), Johnson & Johnson (Mỹ) và CanSino (Trung Quốc) cũng được thực hiện ở quốc gia này.
Trong tháng 12-2020, Chile đã nhận được lô vaccine đầu tiên với khoảng 21.000 liều từ Tập đoàn dược Pfizer của Mỹ. Giới chức Chile ngay lập tức bắt tay tiêm chủng cho các nhân viên y tế. Hơn 1 tháng sau, họ nhận được 4 triệu liều đầu tiên từ Sinovac và đã có thể tăng tốc chủng ngừa. Kể từ khi bắt đầu tiêm chủng đại trà đầu tháng 2 vừa rồi, Chile tiêm hơn 100.000 liều/ngày và con số đó đã tăng gấp 3 lần trong tuần này. Được biết, Chile hiện có 35 triệu liều vaccine để tiêm cho 15 triệu người và thậm chí nước này còn giúp đỡ các quốc gia khác.
Nếu tính trên phạm vi toàn cầu, Chile chỉ đứng sau Israel, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất và Anh về tốc độ tiêm vaccine COVID-19. Trong đó, chiến dịch thành công ở Israel có thể là mô hình để các nước khác học hỏi.
Đàm phán sớm, mua giá cao
Người dân Israel đang dần làm quen với cuộc sống bình thường như trước đại dịch. Đóng góp lớn nhất vào thành tựu này chính là nhờ chiến lược tiêm chủng hiệu quả. Israel có tốc độ tiêm ngừa nhanh nhất thế giới tính tới thời điểm hiện tại. Kể từ khi mở chiến dịch tiêm chủng cuối tháng 12 năm ngoái, gần 57% trong số 9 triệu dân Israel đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine đầu tiên và trên 45% dân số đã tiêm đủ cả hai liều. Xét theo tỷ lệ dân số được tiêm vaccine bình quân đầu người, Israel đang dẫn đầu thế giới với xấp xỉ 95 liều/100 người.
Soi kỹ thành công của Israel, yếu tố tiên quyết để có thể thực hiện một chiến dịch tiêm chủng là phải sở hữu đủ vaccine. Giới chức nước này đã có trong tay lượng vaccine khổng lồ nhờ chiến lược đàm phán thông minh. Họ nhanh chóng đạt được thỏa thuận với các nhà cung cấp vaccine, thậm chí cho đăng tải công khai thỏa thuận với Pfizer trên mạng Internet. Theo đó, Chính phủ Israel đã trả 23 euro cho mỗi liều vaccine, cao hơn gần gấp đôi so với giá mua của Liên minh châu Âu.
Nhờ nguồn cung vaccine dồi dào, Israel đã thực hiện một chiến dịch mà nhiều nước trên thế giới sẽ coi là bất khả thi ở thời điểm hiện tại - khi mọi công dân trên 16 tuổi đều có thể tiêm vaccine bất cứ lúc nào. Ngay cả khi đã đạt được những thành công nhất định với chiếc lược vaccine hiện tại, Chính phủ Israel vẫn cân nhắc những phương án khác nhau như chế độ phúc lợi khi tiêm vaccine hoặc áp dụng hình phạt trong trường hợp người dân từ chối vaccine. Mục tiêu của Tel Aviv là đảm bảo 2/3 dân số sẽ được tiêm ngừa trước khi kết thúc quý I, ngay thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử ngày 23-3.
Hàn Quốc tiêm vaccine cho người trên 65 tuổi
Từ tháng 4, Hàn Quốc sẽ triển khai đợt tiêm chủng mới cho đối tượng là người trên 65 tuổi, cư dân và nhân viên tại các cơ sở chăm sóc người tàn tật, các cơ sở giáo dục đặc biệt, trung tâm chăm sóc sức khỏe, nhà trẻ, trung tâm chăm sóc ban ngày và giáo viên tiểu học. Một hệ thống hỗ trợ an toàn trước và sau khi tiêm chủng sẽ được thiết lập để kịp thời hỗ trợ những người trên 75 tuổi. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đã chuẩn bị các thủ tục để thực hiện tiêm chủng cho các quan chức nhà nước phục vụ những hoạt động thiết yếu như đi công tác nước ngoài và các hoạt động kinh tế quan trọng khác.
Theo Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi xã hội Kwon Deok-cheol, Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 12 triệu người (trong tổng số 52 triệu dân) trong nửa đầu năm nay.
|
HẠNH NGUYÊN