05/12/2011 - 08:44

Châu Âu sắp có liên minh tài khóa

Liệu ông Sarkozy và bà Merkel sẽ thuyết phục được các nước khác sửa đổi hiến pháp
châu Âu?

Hôm nay 5-12, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy sẽ gặp nhau một lần nữa tại Paris để bàn về thỏa thuận thành lập liên minh tài khóa mà họ hy vọng có thể mang lại sự ổn định lâu dài cho Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Kế hoạch này sau đó sẽ được trình cho các nhà lãnh đạo khác tại hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) và Eurozone trong hai ngày 8 và 9-12 tới ở Brussels (Bỉ). Ý tưởng thành lập liên minh này đã được bà Merkel trình bày trước quốc hội Đức và bước đầu nhận được sự tán đồng của Hà Lan. “Bà đầm thép” của nước Đức cho rằng liên minh mới buộc các nước Eurozone phải nhượng quyền quyết định chính sách tài khóa cho một cơ quan có thẩm quyền độc lập của châu Âu. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cũng đã nói tới sự cần thiết phải có “hiệp ước tài khóa”. Tuy nhiên, đây là một tiến trình phải mất thêm nhiều thời gian và nó đòi hỏi phải sửa đổi hiến pháp châu Âu. Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã tuyên bố ủng hộ kế hoạch của bà Merkel, cho dù ông nhấn mạnh Luân Đôn sẽ quyết tâm bảo vệ các lợi ích của mình nếu có những thay đổi trong hiệp ước của EU.

Theo báo Guardian (Anh), bầu không khí ngày càng ảm đạm trong những tháng qua đã dấy lên mối lo ngại có thật về khả năng suy thoái kinh tế và thậm chí tan rã của Eurozone, nên điều này khiến các nước châu Âu cảm thấy rằng việc chuyển đổi liên minh tiền tệ thành liên minh tài khóa với quyền kiểm soát tập trung vào các chính sách thuế và chi tiêu của 17 nền kinh tế thành viên Eurozone là cần thiết để trấn an thị trường tài chính và giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công.

Ngoài liên minh tài khóa chung cho tất cả các nước Eurozone, một loạt giải pháp cấp bách khác cũng đang được các nhà lãnh đạo châu Âu thực hiện. Thủ tướng Đức mới đây đã nhượng bộ sáng kiến phát hành trái phiếu chung của Eurozone (eurobond), đồng thời tỏ vẻ “mềm mỏng” hơn về vai trò của ECB trong thị trường trái phiếu chính phủ khu vực. Trước mắt, ECB có thể sẵn sàng bơm tiền giải cứu cho Eurozone thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng thời tăng cường hỗ trợ vốn vay cho các ngân hàng khu vực mua trái phiếu của các nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý. Ngược lại, ECB đã nhận được sự cam kết hỗ trợ của các ngân hàng trung ương bên ngoài là Mỹ, Nhật Bản, Canada và Thụy Sĩ. Và ngày 8-12 tới, ECB gần như chắc chắn sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất cơ bản lần hai dưới thời ông Draghi (mới nhậm chức hồi đầu tháng 11 vừa qua), từ 1,25% xuống còn 1%.

Tuy vậy, cái mà các nhà lãnh đạo châu Âu chưa thể an tâm là số tiền sẽ được ECB, IMF và các nước khác hỗ trợ là bao nhiêu để vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng tồi tệ trong Eurozone. Cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Eurozone hồi tuần rồi đã không “đào” đâu ra được nguồn vốn mới để nâng Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) từ 400 tỉ euro hiện nay lên 1.000 tỉ euro như cam kết. Trung Quốc thì đã khẳng định không thể lấy 3.200 tỉ USD dự trữ ngoại hối của mình để cứu cựu lục địa.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Liệu ông Sarkozy và bà Merkel sẽ thuyết phục được các nước khác sửa đổi hiến pháp châu Âu?

Chia sẻ bài viết