06/09/2015 - 16:37

Chạm vào lòng trắc ẩn

Cách thức các nước châu Âu tiếp cận cuộc khủng hoảng di cư ít nhiều đã thay đổi sau khi giới truyền thông quốc tế hôm 3-9 đồng loạt đăng hình ảnh Aylan Kurdi, bé trai 3 tuổi người Syria, nằm chết trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ. Em cùng mẹ và anh trai mãi mãi không tới được Hy Lạp trên hành trình trốn chạy cuộc nội chiến khốc liệt ở quê nhà.

Từ chỗ chỉ tiếp nhập 216 người tị nạn Syria hồi năm ngoái, Thủ tướng Anh David Cameron, người đã "xúc động sâu sắc" trước hình ảnh đau thương của bé Kurdi, hôm 5-9 quyết định sẽ nâng con số đó lên 15.000 người. Ông Cameron gọi đây là "nghĩa vụ đạo đức" đối với Luân Đôn. Cùng ngày, Slovenia tuyên bố quốc gia này sẵn sàng tiếp nhận tối đa 2.000 người tị nạn và không phản đối các hạn ngạch phân bổ người nhập cư theo yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU).

Dân Đức chuẩn bị sẵn thức ăn, nước uống chờ đón người tị nạn. Ảnh: Reuters

Trong khi đó tại Đức, dù phải đối mặt các cuộc biểu tình chống người nhập cư đang có khuynh hướng gia tăng, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố không trục xuất người tị nạn Syria và trong năm nay sẽ tiếp nhận ít nhất 800.000 người nhập cư, cao gấp 4 lần so với năm 2014 (chỉ riêng trong tháng 8 vừa qua đã có tới 105.000 người xin tị nạn vào được nước Đức). Bà Merkel trấn an dân chúng rằng Berlin vẫn có thể thu xếp số người nhập cư khổng lồ như vậy mà không cần tăng thuế hoặc gây mất cân bằng ngân sách. Theo ước tính của nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung, năm nay Đức phải chi khoảng 10 tỉ euro để chăm lo cho người tị nạn. Đáng mừng là chủ trương của Thủ tướng Merkel nhận được sự ủng hộ của đa số dân Đức, những người tỏ ra hết sức thông cảm với số phận bấp bênh của người di cư. Một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy có tới 37% người Đức đồng ý tiếp nhận số lượng lớn người nhập cư như hiện nay và 22% đề nghị tiếp nhận nhiều hơn nữa; 88% nói rằng sẽ quyên góp tiền bạc và quần áo trong khi 67% sẵn sàng tình nguyện làm việc cho các dự án hỗ trợ người tị nạn.

Hàng chục ngàn người tị nạn sau khi vượt qua biên giới Hungary tới Áo cuối tuần rồi cũng được chào đón và giúp đỡ tận tình. Chính quyền Áo cho phép họ chọn ở lại nước này hoặc tiếp tục lên đường sang Đức.

Còn ở Ý, quốc gia "tiền tuyến" trong cuộc khủng hoảng nhập cư, đến nay đã có hàng ngàn người đăng ký cưu mang người tị nạn. Tại Pháp, theo lời Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve thì hàng chục thị trưởng đã đề nghị tiếp nhận người tị nạn, và một hội nghị quốc gia sẽ được tổ chức vào cuối tuần này nhằm bàn về việc bố trí nhà ở cho họ.

Là quốc gia không bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc khủng hoảng di cư, nhưng Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila ngày 5-9 đã đề nghị nhường ngôi nhà ông không thường xuyên ở cho người tị nạn. Theo ước tính của ông Sipila, số người xin tị nạn tại Phần Lan năm nay có thể lên tới 30.000 người, gấp đôi so với năm ngoái.

Thủ tướng Úc Tony Abbott hôm qua cũng tuyên bố sẽ tiếp nhận thêm người tị nạn hiện đang sống trong các trại trên biên giới Syria- Iraq. Năm ngoái, Úc tiếp nhận 14.000 người tị nạn, với khoảng 1/3 trong số đó là người Syria và Iraq.

Trong khi đó, dù tính khả thi còn là vấn đề bàn cãi nhưng việc tỉ phú Ai Cập Naguib Sawiris đề xuất chi 100 triệu USD mua đảo của Hy Lạp hoặc Ý để thiết lập một quốc gia riêng cho người tị nạn cũng là ý tưởng nhân đạo đáng ghi nhận, mở ra hy vọng cho hàng triệu phận người chưa biết rồi sẽ đi đâu về đâu.

Hình ảnh người tị nạn chới với giữa biển khơi khi con tàu cũ nát bị chìm trên Địa Trung Hải; cảnh phụ nữ, người già và trẻ em vạ vật nơi đất khách quê người...đã lay động trái tim nhân loại. Dường như một số lãnh đạo châu Âu đã bớt so đo thiệt hơn để chung tay tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết