19/03/2015 - 09:44

Cấp, đổi giấy phép lái xe đã quá tải

Gần đây, người dân đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả (TN&TKQ), thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Cần Thơ làm thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX) rất đông, gây quá tải, nhất là từ khi Thông tư số 87/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ của Bộ GTVT có hiệu lực (từ 15-2-2015) với nội dung miễn khám sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.

 Đông đảo người dân đến làm thủ tục đổi GPLX tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả, thuộc Sở GTVT TP Cần Thơ.

Theo Sở GTVT TP Cần Thơ, từ ngày 15-2-2015 đến nay, bình quân mỗi ngày Bộ phận TN&TKQ đã tiếp nhận khoảng 250 hồ sơ đổi GPLX, hầu hết là GPLX mô tô. Do nghe thông tin khi đổi GPLX miễn khám sức khỏe nên bà con ồ ạt đến làm thủ tục đổi GPLX, mặc dù chưa đến thời hạn bắt buộc phải cấp, đổi GPLX theo lộ trình quy định của Bộ GTVT, khiến Bộ phận TN&TKQ quá tải. Tính từ đầu năm đến nay, Bộ phận đã cấp, đổi 6.450 GPLX các loại, trong đó, cấp 2.234 GPLX ô tô, 4.216 mô tô và cấp mới 10.585 GPLX các loại.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chánh Văn phòng Sở GTVT TP Cần Thơ, Tổ trưởng Tổ TN&TKQ, cho biết: “Để tránh tình trạng quá tải khi người dân đến làm thủ tục đổi GPLX, khi chưa đến thời hạn bắt buộc phải đổi GPLX theo lộ trình quy định của Bộ GTVT, yêu cầu bà con xem kỹ thời hạn quy định trong GPLX, đồng thời nắm rõ lộ trình đổi GPLX bắt buộc theo quy định từ năm 2016 trở đi để làm thủ tục đổi GPLX đúng quy định, đỡ mất thời gian chờ đợi và chi phí đi lại…Vì thời gian tới, quy định miễn khám sức khỏe khi đổi GPLX vẫn còn hiệu lực nên bà con yên tâm làm thủ tục đổi GPLX đúng theo lộ trình của Bộ GTVT quy định, tránh tình trạng quá tải như hiện nay”.

Hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đang triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp đổi GPLX qua mạng và sẽ chuyển giao cho Sở GTVT các tỉnh, thành phố trong cả nước vào quý II-2015. Thực hiện kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020, Tổng cục ĐBVN đã phối hợp với Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel xây dựng và tổ chức thí điểm hệ thống phần mềm dịch vụ công cấp độ 3 đổi GPLX tại Tổng cục ĐBVN từ đầu tháng 12-2014 đến nay. Để áp dụng hệ thống phần mềm dịch vụ công cấp độ 3 đổi GPLX trên toàn quốc từ tháng 4-2015, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Cục trưởng Tổng cục ĐBVN vừa yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo cử cán bộ tham dự lớp tập huấn, chuyển giao hệ thống chương trình phần mềm dịch vụ công cấp độ 3 đổi GPLX theo nội dung như sau: Hướng dẫn cài đặt hệ thống, sử dụng các phần mềm, thực hành sử dụng các phần mềm, chuyển giao đĩa chương trình và tài liệu hướng dẫn sử dụng cho các Sở GTVT. Đào tạo và thực hành quy trình nghiệp vụ của hệ thống dịch vụ công cấp độ 3 đổi GPLX: chức năng ký hồ sơ trực tuyến, chức năng phê duyệt hồ sơ, chức năng tiếp nhận hồ sơ… Đào tạo quản trị hệ thống: khai báo điểm tiếp nhận và người dùng, cấu hình thời gian, số lượng hồ sơ đăng ký, kết xuất báo cáo thống kê. Về hình thức đào tạo là tổ chức các lớp đào tạo tập trung, hướng dẫn cài đặt và thực hành trực tiếp trên máy tính.

Sau khi tiếp nhận chuyển giao dịch vụ này, Sở GTVT TP Cần Thơ sẽ phối hợp với Bưu điện các quận, huyện hướng dẫn người dân cách thức nộp hồ sơ đổi GPLX qua mạng tại các địa phương (do Bưu điện đã được trang bị máy vi tính, đường truyền internet, máy scan,…) hoặc người dân có thể trực tiếp nộp hồ sơ đổi GPLX tại nhà qua hệ thống mạng internet và người dân chỉ cần 1 lần đến hoàn tất thủ tục tại Sở GTVT để được cấp đổi GPLX theo mẫu mới bằng vật liệu PET.

Bài, ảnh: XUÂN ĐÀO

Chia sẻ bài viết