10/08/2021 - 13:18

Cải thiện thể lực trong những ngày giãn cách 

Trong khoảng thời gian các địa phương thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, một số người cảm giác tinh thần căng thẳng, cơ thể mệt mỏi. Các bác sĩ khuyến cáo, mọi người nên lập một thời khóa biểu sinh hoạt điều độ mỗi ngày. Tập thể dục, tập thở, giữ tinh thần thoải mái không chỉ nâng cao sức khỏe tổng trạng mà còn giúp ích rất nhiều cho hệ tim mạch. 

Chị Huệ Thi (ở quận Ninh Kiều) mỗi ngày đều đặn tập thể dục để nâng cao sức khỏe. Ảnh nhân vật cung cấp. 

Theo Ths.BS Trần Anh Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Trưởng Ðơn vị Y học thể thao Bệnh viện (BV) Ða khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, có 3 bài tập đơn giản giúp mọi người cảm thấy ngày giãn cách trở nên ngắn hơn. Bài tập đầu tiên, đó là tập nâng cao sức khỏe thể chất. Bài tập thứ 2 về tinh thần, làm thế nào để cân bằng trong bối cảnh hoàn toàn ở nhà, không đi làm, không gặp gỡ, tiếp xúc với bạn bè và thường xuyên tiếp nhận thông tin về số ca nhiễm, ca tử vong liên quan đến COVID-19. Bài tập thứ 3 là tập thở đúng cách, giúp nhận đầy đủ lượng oxy cần thiết, để cơ thể khỏe mạnh hơn.

Bài tập thể chất chính là vận động tay chân. Giai đoạn giãn cách, nếu không vận động tay chân sẽ dẫn đến tình trạng cứng khớp, thoái hóa khớp nặng nề, nhất là đối với người trung niên, cao tuổi. Do đó, khi làm việc tại nhà, lâu lâu, mọi người nên thực hiện những động tác nhẹ nhàng để máu huyết lưu thông, các cơ khớp được kéo giãn. Ngoài ra, có thể tập với những dụng cụ có sẵn như máy chạy bộ, hoặc tập hít đất, leo lên - xuống cầu thang tùy theo độ tuổi và sức khỏe.

Hiện nhiều bạn trẻ “cầu cứu” bác sĩ, vì cảm thấy trì trệ, khi mỗi ngày cứ đi ra đi vào, hết ăn lại ngủ, lướt mạng xã hội... Họ bức bí, thêm tăng cân, lười vận động. Theo bác sĩ, nên giữ nhịp sinh học, dậy sớm, tập thể dục, ăn sáng, làm việc, đọc sách, nấu ăn, nghỉ trưa, tập thể thao, thiền, vui chơi, giải trí với gia đình... Khi có thời gian biểu cụ thể cho các hoạt động trong ngày, sẽ khiến bận rộn hơn, đỡ lo lắng, căng thẳng hay sợ hãi. Như vậy, tinh thần thoải mái hơn.

Theo các bác sĩ, thở cũng cần phải tập, đối với cả người khỏe mạnh, lẫn người mắc COVID-19. Bác sĩ khuyến cáo mọi người tập thở bằng bụng, sử dụng cơ hoành để hít vào được lượng oxy nhiều nhất cho phổi và thở ra mạnh nhất. Những động tác tập thở có thể theo dõi và tự tập trên kênh Youtube.

BS CKII Trần Thị Thanh Trúc, chuyên khoa tim mạch BV Ða khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, vận động hệ cơ xương khớp có mối liên hệ chặt chẽ đối với hệ tim mạch. Tập thể dục còn giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác. Theo một công trình nghiên cứu của Mỹ, một người tập luyện thể dục thể thao trung bình 150 phút mỗi tuần, sẽ giảm được 14% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Nếu tập được 300 phút mỗi tuần, sẽ giảm được 20% nguy cơ mắc các bệnh lý tim. Người không tập đủ lượng thời gian nêu trên, nhưng có tập luyện mỗi ngày vẫn tốt hơn so với người hoàn toàn không tập luyện. Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh tim, cần khởi động trước khi tập, đi từ bài tập nhẹ nhàng rồi tăng dần cường độ. Cần lưu ý, không tập khi trời quá nóng, hay quá lạnh, có thể ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn. Bệnh nhân bị mất quá nhiều mồ hôi, khó thở, đau ngực, chóng mặt, hay bị ngất, là những dấu hiệu cảnh báo của cơ thể, cần tư vấn, thăm khám với bác sĩ.

Hiện nay, chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho cộng đồng đang được triển khai rộng khắp. Một số người băn khoăn, không biết sau khi tiêm ngừa có nên tập thể dục hay không. Về vấn đề này, bác sĩ Vũ tư vấn, nếu sức khỏe sau tiêm ổn định, không bị nóng sốt, buồn nôn hay các triệu chứng nguy cấp, có thể tập thể dục nhẹ nhàng, tránh vận động vùng tay và vai. Người mới tiêm vaccine xong, vùng tiêm sẽ sưng, đau, đỏ. Trước hết, cần chườm lạnh, vì đây là biện pháp giảm sưng đau hiệu quả nhất, ít biến chứng. Trong 7 ngày đầu sau tiêm, không nên tập luyện thể dục ở vùng tay, vai, là những vùng co cơ. Sau một tuần, sức khỏe ổn định, tiếp tục tập thường xuyên mỗi ngày, để rèn luyện sức bền của cơ thể.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết