Bộ Tài chính Hy Lạp và các chủ nợ tư nhân hôm qua (22-2) đã tiến hành đàm phán xung quanh quyết định của Liên minh châu Âu (EU) về thỏa thuận xóa 53,5% nợ trái phiếu cho Athens và kế hoạch hoán đổi trái phiếu dài hạn trị giá 107 tỉ euro. Các thỏa thuận và kế hoạch này nằm trong khuôn khổ gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỉ euro có hiệu lực đến năm 2014 vừa được các bộ trưởng tài chính EU thông qua sáng 21-2 sau một hội nghị thâu đêm bàn cãi căng thẳng. Tính chung, tổng số vốn và lãi suất mà các nhà đầu tư tài chính tư nhân sẽ phải chấp nhận xóa quyền sở hữu trái phiếu lên đến 74%, một con số mất mát quá lớn nhưng thà tổn thất như vậy còn hơn để trắng tay nếu Hy Lạp phá sản và ra khỏi Khu vực đồng euro (Eurozone). Mục tiêu của EU là đến năm 2020, món nợ công 352 tỉ euro hiện nay của Hy Lạp sẽ tuột xuống mức bằng 120% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với mức 160% GDP hiện thời.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evengelos Venizelos vui mừng tuyên bố thỏa thuận trên đã giúp Athens tránh được “kịch bản ác mộng”. Thủ tướng tạm quyền Lucas Papademos lạc quan: “Thật không ngoa để nói hôm nay là ngày lịch sử cho nền kinh tế Hy Lạp”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cho rằng thỏa thuận đã khép lại “cánh cửa dẫn tới sự phá sản mất kiểm soát có thể gây hỗn loạn cho đất nước và nhân dân Hy Lạp”.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Hy Lạp cũng thừa nhận họ cần phải “chạy đua với thời gian” để thực hiện hàng loạt các điều kiện tiên quyết trước khi ký thỏa thuận về gói cứu trợ thứ hai tại hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra hai ngày 1-2/3 tới. Việc quan trọng nhất của Chính phủ Hy Lạp có lẽ là phải thông qua kế hoạch tiết kiệm chi tiêu mới hơn 3 tỉ euro, trong đó có biện pháp tăng cường nguồn thu và quản lý thuế, chống hối lộ, bán bớt doanh nghiệp nhà nước... nhằm khôi phục lòng tin của thị trường.
Athens đang trông chờ đợt giải ngân mới của EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để thanh toán khoản nợ tới hạn 14,43 tỉ euro vào ngày 20-3, sau đó phải gấp rút tiến hành kế hoạch sửa đổi Hiến pháp nhằm đảm bảo ưu tiên cho việc thanh toán những khoản nợ đáo hạn. Nếu liên minh hai đảng cầm quyền hiện nay không nhanh chóng sửa đổi Hiến pháp để dễ dàng nhận được đa số 3/5 số ghế trong quốc hội hiện nay, thì cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4 có nguy cơ giúp phe đối lập giành chiến thắng và các kế hoạch nhận gói cứu trợ của EU-IMF có thể bị trì hoãn.
Thành ra, Thời báo Tài chính dẫn lời các nhà kinh tế nói thỏa thuận trên chỉ có thể làm chậm lại thời điểm Hy Lạp phá sản mà thôi. Nhận định bi quan như vậy của một tờ báo Anh cho thấy cái khó vẫn còn đeo bám Athens.
ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)