02/04/2020 - 18:08

Cả triệu người nhiễm SARS-CoV-2 

Số người mắc COVID-19 trên toàn cầu lên tới con số gần 1 triệu vào chiều 2-4, trong đó khoảng 50 nghìn người đã tử vong.

Số ca tử vong vì COVID-19 liên tục tăng tại Mỹ. Ảnh: AP

Số ca mắc tại Mỹ vượt ngưỡng 200.000

Theo số liệu cập nhật đến chiều 2-4, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Mỹ đã lên tới 216 nghìn người sau khi tăng thêm hơn 20 nghìn người so với ngày trước đó. Như vậy, Mỹ đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có số ca mắc COVID-19 vượt quá mốc 200 nghìn người. Số người chết vì COVID-19 tại Mỹ hiện được ghi nhận ở mức trên 5 nghìn người.

Trong động thái mới nhất, Thống đốc Florida Ron DeSantis đã ban bố lệnh giới nghiêm toàn bang và chỉ thị cho người dân ở nhà để ngăn ngừa dịch lây lan. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông DeSantis kêu gọi người dân giới hạn các hoạt động và chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết. Lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực trong 30 ngày, bắt đầu từ 2-4 và được đưa ra sau khi Thống đốc DeSantis tham vấn Tổng thống Donald Trump qua điện thoại.

Chính phủ Mỹ và chính quyền bang Florida cũng đã thảo luận về kế hoạch cho phép hàng nghìn hành khách trên tàu du lịch MS Zaandam được lên bờ. Trước đây chính quyền bang Florida phản đối điều này do lo ngại những người trên du thuyền có thể mang theo dịch bệnh truyền cho cư dân thành phố Fort Lauderdale, nơi con tàu sẽ cập bến để đưa người đi cách ly.

Tàu MS Zaandam thuộc sở hữu của công ty Holland America Line, chở 1.800 hành khách khởi hành từ Buenos Aires (Argentina) ngày 7-3 và dự kiến đến San Antonio gần thủ đô Santiago của Chile hai tuần sau đó. Tuy nhiên, con tàu này đã bị “mắc kẹt” ở Thái Bình Dương, tại vùng biển Panama từ ngày 14-3, sau khi 42 hành khách có các triệu chứng cúm. Một số cảng ở Nam Mỹ từ chối cho du thuyền cập bến và đến nay đã có 4 hành khách trên tàu tử vong.

Trong diễn biến liên quan, ngày 1-4, Phó Tổng thống Mike Pence đã quy trách nhiệm cho Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) và Trung Quốc khi được hỏi về lý do Washington nhận thức quá muộn về tính nguy hại của dịch COVID-19.

Ông Pence nêu rõ đến giữa tháng Một vừa qua, CDC vẫn đánh giá nguy cơ của dịch COVID-19 đối với người Mỹ là thấp. Ông cũng nhấn mạnh rằng SARS-CoV-2 đã xuất hiện một thời gian dài, trước khi được thế giới biết đến vào tháng 12-2019.

 Phó Tổng thống Pence cho rằng những tuyên bố của Tổng thống Trump trước đây về dịch COVID-19 là do tinh thần lạc quan và phủ nhận việc ông Trump đánh giá thấp cuộc khủng hoảng này vào thời điểm ban đầu.

Cũng trong cuộc phỏng vấn, Phó Tổng thống Pence cho rằng dịch COVID-19 tại Mỹ có thể sẽ chấm dứt vào đầu tháng Sáu nếu người dân tuân thủ mọi chỉ dẫn.

Châu Âu có thêm hàng nghìn người tử vong

Trong 24 giờ qua, châu Âu đã có thêm hàng nghìn người tử vong vì đại dịch COVID-19, trong khi số ca mắc mới cũng tăng thêm hàng chục nghìn người.

Tính tới chiều 2-4, Ý có tổng cộng 111 nghìn người mắc bệnh, trong đó hơn 13 nghìn người đã tử vong, cao nhất thế giới. Trước tình hình này, Thủ tướng Giuseppe Conte đã ký sắc lệnh kéo dài tình trạng phong tỏa toàn quốc tới ngày 13-4.

Trong khi đó, Tây Ban Nha chứng kiến số lượng ca mắc mới và tử vong cao nhất châu Âu trong 24 giờ qua. Tính đến thời điểm này, Tây Ban Nha có tổng cộng 105 nghìn người nhiễm SARS-CoV-2, trong đó gần 10 nghìn người đã tử vong.

 Còn ở Đức, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố sẽ kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội thêm 2 tuần cho đến khi kết thúc kỳ nghỉ lễ Phục sinh nhằm hạn chế sự lây lan của SARS-CoV-2. Đến nay Đức có 78 nghìn ca nhiễm COVID-19 với gẩn 1 nghìn trường hợp tử vong.

Tại Pháp, số người chết vì COVID-19 cũng đã lên tới hơn 4 nghìn trong số 57 nghìn người bị nhiễm. Tối 1-4, Thủ tướng Edouard Philippe đã có buổi điều trần trước Quốc hội về cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, trong đó ông nói rõ các nhóm làm việc của chính phủ đang xây dựng nhiều kịch bản liên quan đến lệnh hạn chế đi lại vốn đã được áp đặt 3 tuần qua. Theo ông, việc bãi bỏ lệnh hạn chế đi lại, nếu có, sẽ không diễn ra đồng thời tại mọi nơi và cho tất cả mọi người, mà căn cứ theo vùng miền, nhóm tuổi và các xét nghiệm. Thủ tướng Philippe hy vọng có thể công bố một chiến lược dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại trong những ngày tới.

Những quốc gia châu Âu khác có nhiều người nhiễm COVID-19 bao gồm Anh (30 nghìn người),  Thụy Sĩ (18 nghìn), Thổ Nhĩ Kỳ (16 nghìn), Bỉ (14 nghìn), Hà Lan (14 nghìn), Áo (11 nghìn)…

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, sáng 2-4, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đã ra thông báo hoãn vô thời hạn mọi hoạt động bóng đá tại lục địa già.

Tổng thống Philippines dọa bắn người vi phạm lệnh phong tỏa

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tối 1-4 đã cảnh báo những người vi phạm lệnh cách ly giữa đại dịch COVID-19 sẽ phải đối mặt với cái chết. Ông ra lệnh cho lực lượng an ninh bắn hạ “những kẻ gây rối” khi nước này chiến đấu chống lại đại dịch.

Lời cảnh báo mạnh mẽ được đưa ra trong bài phát biểu trên sóng truyền hình khi Tổng thống Duterte ra lệnh cho cảnh sát và quân đội áp dụng cách xử lý thẳng tay đối với những người vi phạm lệnh phong tỏa tại Luzon - hòn đảo lớn và đông dân nhất nước này.

Các biện pháp cách ly và phong tỏa đã được áp dụng từ tháng trước, trong nỗ lực hạn chế sự lây lan của virus.

“Tôi sẽ không chần chừ. Lệnh của tôi đến cảnh sát và quân đội, cũng như các quận, là nếu như có rắc rối hoặc tình huống xảy đến khi người dân chống cự và tính mạng của các bạn gặp rủi ro, hãy bắn chết họ”, Tổng thống Duterte tuyên bố.

Bài phát biểu trên của ông Duterte diễn ra chỉ vài giờ sau khi 21 người dân ở thành phố Quezon, hầu hết là công nhân công xưởng và xây dựng không được phép làm việc dưới lệnh phong tỏa, đã bị bắt giữ vì biểu tình trái phép.

Tính đến hôm qua, Philippines ghi nhận hơn 2.300 ca nhiễm COVID-19 với gần 100 người
tử vong.

Nhật. Hãng dược phẩm sinh học AnGes và Đại học Osaka vừa nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 mà hai bên hợp tác phát triển và bào chế. 
Israel. Bộ trưởng Y tế Yaakov Litzman, 71 tuổi và vợ ông có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. 
Ấn Độ. Ghi nhận trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên tại khu ổ chuột Dharavi, thành phố Mumbai, bang Maharashtra. Dharavi rộng 613 héc-ta với 1,5 triệu dân là khu ổ chuột lớn nhất Ấn Độ và cũng lớn nhất châu Á.
Nga. Tổng thống Vladimir Putin ký ban hành luật trao thêm một số quyền cho nội các nước này, trong đó có việc ban bố lệnh trình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và tăng nợ trong trường hợp phải áp dụng các biện pháp cách ly và dịch tễ học.
Thái Lan. Kết quả khảo sát do Cục Sức khỏe tâm thần thuộc Bộ Y tế cho thấy khoảng 70% người dân nước này hiểu và đang tham gia cuộc vận động giãn cách xã hội - một chiến lược chính nhằm chặn đứng sự lây lan của SARS-CoV-2.

P.V (TTXVN, CNA)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
nhiễm SARS-CoV-2