12/10/2019 - 16:24

Brazil tiến vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 

Trong tham vọng địa chính trị của mình, Brazil đặt mục tiêu mở rộng ảnh hưởng chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Và tầm nhìn chiến lược này đang được thúc đẩy dưới thời chính quyền Tổng thống Jair Messias Bolsonaro.

Tàu ngầm Riachuelo lớp Scorpene của Brazil. Ảnh: Naval News

Tàu ngầm Riachuelo lớp Scorpene của Brazil. Ảnh: Naval News

Dù là “ngôi sao đang lên” trong nhóm các quốc gia đang phát triển, Brazil phải hứng chịu tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng và bất ổn chính trị kể từ năm 2015. Cuộc bầu cử tổng thống năm 2018 đã khiến Brazil bị phân cực và chia rẽ nhất trong lịch sử hiện đại. Dù Brazil sở hữu một trong những lực lượng quân đội lớn nhất và tinh vi nhất khu vực Mỹ Latinh nhưng lại thiếu kinh nghiệm chiến đấu, bởi trong những thập kỷ gần đây không có cuộc xung đột quy mô lớn nào nổ ra ở Nam Mỹ.

Dẫu vậy, Brazil được dự đoán trong những năm tới sẽ chuyển đổi từ một cường quốc khu vực thành cường quốc toàn cầu ở Tây bán cầu và quá trình chuyển đổi này sẽ được phản ánh một phần thông qua cấu trúc địa chính trị Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thật ra, dưới thời cựu Tổng thống Dilma Rousseff, trong giai đoạn 2011-2016, Brazil đã bắt đầu chuyển trọng tâm chiến lược một cách nghiêm túc sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trước đó trong giai đoạn 2003-2010, Brazil cũng đã đẩy mạnh sự “quan tâm” đến châu Á, đặc biệt là khu vực Ấn Độ Dương.

Để theo đuổi mục tiêu của mình, Brazil đã bắt đầu chuyển đổi các ưu tiên chiến lược trong lĩnh vực không và hải quân trong khi vẫn duy trì sự vượt trội của lực lượng trên bộ. Tháng 12 năm ngoái, tàu ngầm Riachuelo lớp Scorpene, tàu ngầm đầu tiên trong số 4 tàu ngầm thuộc Chương trình phát triển tàu ngầm Brazil, đã được hạ thủy và bắt đầu thử nghiệm trên biển vào tháng 9 năm nay. Dự kiến, Brazil sẽ có một tàu ngầm hạt nhân vào năm 2029.

Trong khi đó, Brasilia cũng bắt đầu tương tác với các cường quốc châu Á. Chẳng hạn Brazil đã bắt tay Trung Quốc triển khai dự án xây dựng các tuyến đường sắt nối bờ biển Đại Tây Dương của mình đến các cảng tại Thái Bình Dương. Dự án này cho phép tàu từ Trung Quốc và các nước khác cập cảng Peru và vận chuyển hàng hóa được gửi từ Brazil bằng đường sắt, trong khi hàng hóa từ Trung Quốc và các nước khác cũng có thể đi theo tuyến đường này để rút ngắn hành trình thay vì phải đi qua kênh đào Panama đến Đại Tây Dương và đi xa về phía Nam để đến các cảng ở Nam Mỹ. Theo kế hoạch, dự án sẽ tạo ra cơ sở hạ tầng đường sắt rộng lớn nhằm kết nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, từ cảng Ilo của Peru đến thành phố Sao Paulo của Brazil.

Giới phân tích cho rằng việc Brazil tiếp cận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là qua châu Phi, sẽ được các nước nói tiếng Bồ Đào Nha như Angola, Cape Verde, Guinea Xích đạo, Guinea-Bissau và Mozambique tạo điều kiện thuận lợi. Theo đó, các nước này sẽ giúp Brazil mở rộng vị thế quân sự, kinh tế và chính trị tại châu Phi. Là quốc gia nằm ở phía Nam Đại Tây Dương, Brazil sở hữu bờ biển dài 7.491km nên có thể giúp nước này trở thành một cường quốc biển. 

Để phát triển năng lực biển, Brazil có thể chủ động gia nhập Liên minh Thái Bình Dương gồm các quốc gia thành viên đầy đủ là Mỹ, Colombia, Chile, Mexico và Peru, qua đó thường xuyên tham gia diễn tập hải quân RIMPAC. 

TRÍ VĂN (Theo The Diplomat)

 

Chia sẻ bài viết