06/09/2021 - 09:04

Bỗng dưng hào phóng? 

Hưởng ứng lời kêu gọi “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc đang đổ hàng tỉ USD vào các dự án với mục đích “hoàn trả lại cho xã hội nhiều hơn”.

Tỉ phú Jack Ma - người hùng ngã ngựa ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Alibaba cuối tuần rồi công bố sẽ đầu tư 100 tỉ NDT (15,5 tỉ USD) trong vài năm tới vào các sáng kiến “thịnh vượng chung”. Cụ thể, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc sẽ đổ tiền vào 10 sáng kiến ​​bao gồm đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế, tạo việc làm chất lượng cao và hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương. Tổng Giám đốc Daniel Zhang khẳng định: “Chúng tôi tin chắc rằng nếu xã hội và nền kinh tế phát triển tốt, thì Alibaba sẽ làm tốt. Chúng tôi mong muốn được thực hiện phần việc của mình để hỗ trợ thực hiện thịnh vượng chung thông qua phát triển chất lượng cao”.

Hồi tháng 8, Tencent cũng cho biết sẽ tăng gấp đôi số tiền đang đầu tư cho các sáng kiến ​​xã hội lên 100 tỉ NDT. Số tiền sẽ được chuyển đến các khu vực bao gồm phục hồi nông thôn và giúp tăng thu nhập cho các nhóm thu nhập thấp.

Các giám đốc điều hành và nhà sáng lập công nghệ nổi tiếng của Trung Quốc cũng đã cam kết các khoản tiền cá nhân. Chẳng hạn, người sáng lập Colin Huang của Pinduoduo, Wang Xing của Meituan và Lei Jun của Xiaomi quyên góp chung hàng tỉ USD cho các hoạt động xã hội.

Alibaba , Tencent và Xiaomi nằm trong “tứ đại gia công nghệ Trung Quốc” (cùng với Baidu), tương tự như nhóm Google, Amazon, Facebook và Apple ở Mỹ.

Nhưng có phải tự nhiên mà các đại gia công nghệ chịu “móc hầu bao”?

Mọi việc có lẽ bắt đầu từ cuối tháng 10-2020 khi Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, gây bất ngờ bằng việc công khai chỉ trích hệ thống quản lý của Trung Quốc quá cứng nhắc, cản trở sáng kiến. Kết quả là một tuần sau, giới chức buộc ông hủy kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Ant Group (công ty tài chính của Alibaba), thương vụ ước tính trị giá khoảng 37 tỉ USD. Ðến cuối tháng 12, Bắc Kinh chính thức mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba, trong khi yêu cầu Ant Group phải tái cấu trúc hoạt động. Ðến đầu năm 2021 thì Jack Ma mất ngôi người giàu nhất Trung Quốc, trong khi Alibaba bị phạt 2,8 tỉ USD vì vi phạm luật chống độc quyền.

Theo Bloomberg, kể từ khi Bắc Kinh đưa Alibaba vào tầm ngắm đến cuối tháng 6-2021, các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã tổn thất 823 tỉ USD do cổ phiếu bị bán tháo.

Còn trong tháng 7, tài sản của các tỉ phú công nghệ hàng đầu tiếp tục mất đi 87 tỉ USD sau khi chính phủ bắt đầu chiến dịch thanh tra Didi Chuxing - ứng dụng gọi taxi phổ biến nhất ở Trung Quốc.

Theo giới phân tích, ảnh hưởng của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc ngày càng lớn và có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền là một trong những nguyên nhân khiến họ bị đưa vào tầm ngắm. Quyền lực quá lớn theo kiểu các chaebol (tập đoàn gia đình ở Hàn Quốc) ắt hẳn là một bài học đối với Bắc Kinh.

Còn nhớ khi Jack Ma rời khỏi chức vụ Chủ tịch Alibaba năm 2019, Nhân dân Nhật báo đã có bài viết, trong đó khẳng định: “Không có cái gọi là thời đại của Jack Ma, chỉ có thời đại mà trong đó có Jack Ma”. Và phần kết luận của bài xã luận nhấn mạnh: “Miễn là các doanh nhân có thể hiểu rõ thời đại, nắm bắt cơ hội, thì sẽ có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân vĩ đại hơn nữa ở Trung Quốc”.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết