27/08/2019 - 18:43

Bộ Quốc phòng Mỹ quan ngại việc Trung Quốc can thiệp hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông 

* Ngoại trưởng Nhật nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì thượng tôn pháp luật

 

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 26-8, Bộ Quốc phòng Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về “sự can thiệp mang tính cưỡng ép” của Trung Quốc đối với hoạt động khai thác dầu khí đã tồn tại từ lâu của Việt Nam ở Biển Đông, cũng như những hành động liên tục của Trung Quốc vi phạm trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc ở khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương.

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ Trung Quốc gần đây lại tiếp tục can thiệp các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông và điều này mâu thuẫn trực tiếp với những cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La rằng Trung Quốc sẽ “đi theo con đường phát triển hòa bình”.

Tuyên bố cho biết các hành động của Trung Quốc trái với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ  Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, trong đó tất cả các quốc gia lớn, nhỏ được bảo đảm chủ quyền, không bị ép buộc và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế đã được công nhận.

Theo tuyên bố, Trung Quốc sẽ không giành được lòng tin của các nước láng giềng cũng như sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế bằng việc duy trì chiến thuật “bắt nạt”. Các hành động của Trung Quốc nhằm ép buộc các bên có yêu sách trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), việc xây dựng các hệ thống quân sự tấn công và thực thi yêu sách hàng hải bất hợp pháp làm gia tăng nghi ngờ về uy tín của Trung Quốc.

* Ngày 27-8, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (ảnh) khẳng định nước này phản đối bất cứ hành động nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.

 Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN tại Tokyo đề nghị bình luận về việc nhiều nước đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về xu hướng gia tăng căng thẳng trên Biển Đông do Trung Quốc đơn phương có hàng loạt hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, cản trở hoạt động dầu khí hợp pháp và đã được triển khai từ lâu trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và một số quốc gia ven biển khác, Ngoại trưởng Kono cho biết: “Biển Đông là tuyến đường biển quan trọng đối với Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, và có liên quan trực tiếp tới sự ổn định và hòa bình của khu vực. Cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản, quan tâm sâu sắc tới tình hình trên Biển Đông. Nhật Bản phản đối bất cứ hành động của nước nào làm gia tăng căng thẳng trên  Biển Đông”.

Theo Ngoại trưởng Kono, sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á diễn ra gần đây ở Bangkok (Thái Lan), ông đã nêu quan ngại về tình hình nghiêm trọng ở Biển Đông. Ông cho rằng cộng đồng quốc tế cần phản đối bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và bất cứ hành động nghiêm trọng mang tính cưỡng ép của bất cứ quốc gia nào. Ông nhấn mạnh: “Tôi đề nghị tất cả các bên liên quan cần phi quân sự hóa các cơ sở hoặc thực thể trên Biển Đông, và bất cứ tranh chấp nào cũng cần phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS)”. 

Ngoại trưởng Kono nhấn mạnh: “Chúng ta cần tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và bất cứ nơi nào khác”.

Đặng Huyền

Chia sẻ bài viết