03/04/2014 - 08:52

Bi tráng “Tia chớp phía chân trời”

 

"Tia chớp phía chân trời" là tập truyện ngắn do NXB Trẻ phối hợp với hai nhà văn Văn Lê (TP Hồ Chí Minh) và Sương Nguyệt Minh (Hà Nội) tuyển chọn. Tập truyện giới thiệu đến bạn đọc 19 truyện ngắn của những nhà văn trong và ngoài quân đội viết về người lính cụ Hồ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia.
Sách phát hành quí I- 2014.

12 năm chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia (1977-1989) là một thời kỳ hào hùng, bi tráng của Quân đội nhân dân Việt Nam. "Tia chớp phía chân trời" đã tái hiện phần nào cuộc chiến, nêu bật sự phi nghĩa của chiến tranh.

Qua từng câu chuyện, hình ảnh người chiến sĩ Việt Nam với những phẩm chất tốt đẹp hiện lên sinh động và chân thật với những trận đánh khốc liệt hay những hành động giúp bà con ở các phum, sóc gầy dựng lại cuộc sống. Cũng như bất kỳ cuộc chiến nào, mất mát, đau thương là điều không tránh khỏi. Nếu Dân trong "Những người đi trước con đường", Phạm trong "Những tia chớp phía chân trời" khiến người đọc cảm phục, tiếc thương vì sự hy sinh anh dũng thì Sơn trong "Truyện rất khó viết" hay chàng chuẩn úy tóc xoăn trong "Quãng đời xưa in dấu" khiến người đọc day dứt, xót xa vì những vết thương thể xác và tâm hồn do chiến tranh để lại.

Những người lính quân y cũng để lại ấn tượng sâu sắc bằng sự kiên cường, dũng cảm. Đó là bác sĩ Quang vừa chống chọi với cơn sốt rét ập đến vừa cố gắng cứu một thương binh nặng thoát khỏi nguy hiểm tính mạng ("Chuyện ở Pai – Lin") hay bác sĩ Khả chết vì sốt rét khi đang nghiên cứu cách phòng chống căn bệnh quái ác này ("Người đánh xi nhan và những con đường"). Nhưng ấn tượng nhất chính là bác sĩ Kim, một cô gái nhỏ nhắn nhưng mạnh mẽ. Cô vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, giúp người phi công tìm được đồ nghề sửa máy bay để kịp cất cánh chở các thương binh đến nơi an toàn, còn cô yếu dần bởi vết thương quá nặng… ("Người đánh xi nhan và những con đường").

Tập truyện ca ngợi nhưng không quá tô hồng người chiến sĩ. Vẫn có những câu chuyện về anh hùng trong chiến tranh lại biến chất vì tiền tài và tham vọng trong thời bình. Xuân trong "Chuyện lạ trong ngôi mộ" là người như thế. Ở một góc nhìn khác, các truyện: "Bà mẹ Ư Đôn", "Cái chết của Bu Thon", "Ánh lửa"… lột tả nỗi đau của những người mẹ Campuchia khi chồng con bị Pôn- Pốt giết, nhà cửa tan nát; phản ánh cuộc đời của những thanh niên đi lính cho chế độ Pôn- Pốt và sa lầy vào tội ác với dân tộc…

Trong không gian đặc quánh, khốc liệt của chiến tranh, có những gam màu nhẹ nhàng, lãng mạn về chuyện tình cảm trai gái. Những chuyện tình trong sáng ấy phả vào lòng người đọc những giây phút yên bình, thanh thản. Đặc biệt, chuyện tình trắc trở nhưng có hậu của anh bộ đội Việt Nam và cô gái Campuchia trong truyện "Khô Chănđara" nói lên mối quan hệ khăng khít, bền vững của hai dân tộc.

Với nội dung và cách viết phong phú, "Tia chớp phía chân trời" là một tập truyện hay và ý nghĩa dành cho độc giả.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết