17/09/2021 - 19:58

Báo Trung Quốc đe dọa Úc 

“Úc đã tự biến mình thành đối thủ của Trung Quốc và quân đội Úc sẽ bị tiêu diệt đầu tiên nếu xung đột bùng phát” - tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc đưa ra cảnh báo sau thông tin Mỹ hỗ trợ Canberra phát triển tàu ngầm hạt nhân theo hiệp ước an ninh 3 bên mới.

Hôm 15-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo lập liên minh “AUKUS” giữa nước này với Anh và Úc. Giới quan sát coi đây là nỗ lực trấn an rõ ràng của Washington đối với mục tiêu chưa thể hoàn thành, đó là cùng các cường quốc khu vực xây dựng một liên minh rộng lớn, hiệu quả hơn nhằm cạnh tranh ảnh hưởng từ Trung Quốc.

Quan chức Úc và Mỹ tại cuộc họp 2+2 hôm 16-9. Ảnh: Reuters

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đặt nghi vấn về cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân của Úc, rằng việc họ hợp tác với Mỹ, Anh phát triển tàu ngầm hạt nhân “phá hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định khu vực, tăng cường chạy đua vũ trang”. “Ðây là hành động vô trách nhiệm, cho thấy tiêu chuẩn kép về việc sử dụng xuất khẩu hạt nhân cho các trò chơi địa chính trị” - quan chức này khẳng định kèm cảnh báo phương Tây có thể “tự hại mình”.

Trên mặt trận truyền thông, tờ Hoàn cầu Thời báo viết rằng Úc vẫn tiếp diễn vai trò “kẻ tiên phong” chống Bắc Kinh. Với giọng điệu hung hăng, tờ báo nổi tiếng “diều hâu” cảnh báo Canberra nên chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất nếu “trung thành với Mỹ mà trắng trợn khiêu khích Trung Quốc”. Thậm chí một sai lầm quân sự, đặc biệt ở eo biển Ðài Loan hoặc Biển Ðông, lực lượng vũ trang Úc rất có thể là đợt lính phương Tây đầu tiên “bỏ mạng” ở Biển Ðông. Trong tình huống xung đột, không chỉ khu vực quân sự mà toàn lục địa Úc chắc chắn trở thành mục tiêu của tên lửa Trung Quốc. Ðó cũng là thông điệp cho những quốc gia khác bắt tay với Mỹ chống Bắc Kinh - tờ này đe nẹt.

Trước phản ứng của báo đài và quan chức Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton cho biết hành động này của Bắc Kinh “phản tác dụng, thiếu chín chắn và đáng xấu hổ”. Theo giới phân tích, đây không phải lần đầu Trung Quốc tung đòn thăm dò Úc thông qua đe dọa và trừng phạt. Hành động này cho thấy nỗ lực đơn phương của Bắc Kinh nhằm đe dọa quốc gia nào có ý “chọn phe” trong cuộc đọ sức Mỹ - Trung, đặc biệt có thể áp dụng cho tình huống ở Biển Ðông. Mục tiêu của Trung Quốc là chia rẽ đồng minh Mỹ bằng tâm lý lo sợ, rằng hỗ trợ Washington đồng nghĩa họ là bên trả giá cuối cùng trong bất kỳ cuộc xung đột nào giữa hai cường quốc.

Một số học giả cho biết Mỹ cần làm rõ mối đe dọa này là “phi thực tế” bằng hàng rào phòng thủ cụ thể và đủ sức răn đe. Như tình huống Úc đang đối mặt, Washington phải cho thấy bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc nhắm tới Úc sẽ dẫn đến đòn phản công tương xứng của Mỹ. Ngược lại, chính quyền Tổng thống Biden nếu cho phép Bắc Kinh thực hiện các mối đe dọa đơn phương chống lại đồng minh mà không có sự can thiệp của Mỹ sẽ làm xói mòn lòng tin an ninh. Tận dụng khoảng trống này, Trung Quốc có thể tiếp tục sử dụng các mối đe dọa không thể kiểm chứng đối với Úc để ngăn những quốc gia khác thân cận với Mỹ thách thức Bắc Kinh, ảnh hưởng chiến lược tập hợp đồng minh mà Washington đang theo đuổi.

Mỹ - Úc tăng cường hợp tác

Trước lo ngại chung về Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Dutton hôm 16-9 cho biết Úc sẽ tăng cường phát triển tên lửa, vật liệu nổ dưới sự hỗ trợ từ Washington và sẵn sàng đón nhận thêm quân đội Mỹ đồn trú luân phiên. Ông Dutton hiện có chuyến thăm Mỹ cùng Ngoại trưởng Marise Payne và tham dự hội nghị tham vấn 2+2 với Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken.

Các quan chức đã thảo luận về những mối đe dọa từ Trung Quốc, trong đó lãnh đạo Lầu Năm Góc xác nhận Mỹ tìm kiếm quan hệ mang tính xây dựng với Bắc Kinh nhưng vẫn nhìn rõ hành vi của họ muốn phá hoại trật tự quốc tế. Ông Austin khẳng định Mỹ sẽ mở rộng khả năng tiếp cận và hiện diện ở Úc. Trong khi đó, Ngoại trưởng Blinken lặp lại cam kết không để Canberra đơn độc trước sức ép từ Trung Quốc.

Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo thực hiện các quyền và tự do hàng hải ở Biển Ðông, phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không cũng như các hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác liên quan đến các quyền tự do này.

Hôm 16-9, Liên minh châu Âu cho công bố chiến lược mới ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mục tiêu là thúc đẩy quan hệ chính trị, quốc phòng, kinh tế; cải thiện an ninh hàng hải, hỗ trợ đối tác trước biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác trong chăm sóc sức khỏe, giúp các nước kém phát triển chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19. Sách lược này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng và vài giờ sau khi Mỹ, Anh và Úc công bố liên minh an ninh có khả năng định hình lại quan hệ của họ với khu vực rộng lớn hơn.

Trong diễn biến liên quan, Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tiền thân của CPTPP vốn do Mỹ đề ra nhằm chống lại ảnh hưởng Bắc Kinh, nhưng cựu Tổng thống Donald Trump đã rút lại sự tham gia của Washington vào năm 2017.

MAI QUYÊN (Theo AP, US News & World Report)

Chia sẻ bài viết