26/04/2019 - 07:16

Bảo tồn văn hóa Cần Thơ - chuyện từ chiếc bánh quê 

Trong tọa đàm mới đây tại Cần Thơ về chủ đề tìm thị trường cho bánh dân gian Nam bộ (BDGNB), nhiều nghệ nhân, nhà nghiên cứu đều cho rằng, bánh quê là một phần làm nên “cốt cách” của văn hóa Cần Thơ. Vậy nên, làm sao để bảo tồn bánh quê, để nghệ nhân sống được với nghề... cũng là việc chúng ta đang bàn đến một khía cạnh của bảo tồn văn hóa.

Khách thưởng thức mâm bánh dân gian hàng chục loại tại nhà bà Bảy Muôn ở Cồn Sơn.

Tham luận của ông Vũ Thống Nhất, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ, như gợi lại ký ức của biết bao người về chiếc bánh quê hương. Với ông, BDGNB ra đời do nhu cầu cuộc sống, lao động và sản xuất của cư dân châu thổ, là sự kết hợp giữa những tấm bánh của cố hương được phát huy vô cùng sáng tạo, thích hợp với vùng đất mới; được làm ra từ hạt gạo, trái cây vườn nhà. Vì vậy nó mang hương vị rất riêng, tạo nên nét văn hóa ẩm thực mới, ẩm thực phương Nam rồi được lưu truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ cư dân Nam bộ. Ông Nhất ấn tượng hoài với mâm bánh dân gian đầy hương đủ sắc và ngập tràn dư vị của bà con Cồn Sơn (Bình Thủy). "Thử một lần qua Cồn Sơn mà nhìn chái bếp, bếp quê của chị Bảy Muôn, chị Năm Phước… chúng ta sẽ hiểu hơn về giá trị của bánh dân gian", ông Nhất gợi ý.

Đáp lời ông Nhất, bà Pham Kim Ngân (Bảy Muôn), một nghệ nhân tài hoa mà dân dã ở Cồn Sơn, khiêm nhường mà rằng, đó chẳng qua là sự truyền nghề, là sự thảo thơm của người Cần Thơ. Bà truyền cho mẹ, mẹ truyền cho con… cứ thế mà bánh dân gian được lưu truyền và gìn giữ. Bà Bảy Muôn cũng chia sẻ niềm vui từ khi Cồn Sơn làm du lịch, du khách trong và ngoài nước đến rất đông, họ thích thú trước vị ngọt, vị nồng, vị béo… của bánh lá, bánh kẹp, bánh bò bông... Nhiều du khách còn hào hứng xắn tay làm thử. Bà Bảy Muôn thiệt thà: "Nhiều khi nhìn cảnh đó tôi vui lắm. Đâu phải quê mùa, dân dã mà không giá trị, bây giờ người ta chuộng những điều truyền thống như vậy".

Còn với nghệ nhân Trương Thị Chiều (Chín Chiều, ngụ quận Bình Thủy), bánh quê giúp gia đình bà qua cơn túng ngặt của đời nghèo và giờ thì cả gia đình 3 thế hệ đều làm bánh mưu sinh. Hơn 50 loại bánh, khéo léo và tài tình, bà Chín Chiều có thể làm được, cho thấy tài nghệ của người phụ nữ ngoài 60 tuổi này. Bà Chín Chiều từng mang bánh dân gian Cần Thơ giới thiệu tại các sự kiện lớn. Vậy nên, bà Chín Chiều chia sẻ: "Muốn đi xa hơn trong thị trường bánh dân gian, tôi nghĩ cần giữ được hồn quê, đồng tâm hiệp lực giữ hồn quê hương từ chiếc bánh. Điều quan trọng là bánh làm bằng tay nhưng vẫn phải giữ được vệ sinh, giữ được đúng hương vị truyền thống của chiếc bánh".

*  *  *

Bánh dân gian Cần Thơ tạo lập được vị thế xứng đáng trên bản đồ BDGNB. Một vài điển hình: bánh tráng Thuận Hưng, bánh đa Vĩnh Thạnh, bánh tét lá cẩm Cần Thơ, bánh xèo Mười Xiềm, bánh hỏi mặt võng… Thậm chí, Cần Thơ đã từng có nghệ nhân Mười Xiềm qua Mỹ trình diễn làm bánh dân gian. Tài nguyên ẩm thực là có nhưng câu chuyện làm sao để bảo tồn bánh dân gian Cần Thơ, qua đó giới thiệu văn hóa bản địa được nhiều người trăn trở.

Ông Vũ Thống Nhất, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ, cho rằng, ngoài vẽ cho được bản đồ bánh dân gian, làm tốt công tác truyền thông thì nhất thiết phải chú trọng "Thổi hồn vào tấm bánh quê hương". Ông Nhất lý giải, BDGNB bình dị, chân quê, đậm đà truyền thống, đó là thế mạnh, đặc biệt trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0. Nó giúp gợi nhớ ký ức một thời cha ông đi mở cõi, là cơ hội để người già tìm về hoài niệm, người trẻ và bạn bè gần xa có cơ hội tìm hiểu về văn hóa truyền thống dân tộc. Vì thế, việc làm sao để những người chưa am hiểu có thể tiếp cận và am hiểu thì bánh dân gian hoàn toàn có thể trở thành sứ giả văn hóa.

Đồng quan điểm này, ông Đoàn Hữu Đức - Phó Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Việt Nam, nhận định, trong quá trình đưa bánh dân gian vào kênh hiện đại: nhà hàng, siêu thị… cần thiết phải mang cả phần "xác" lẫn phần "hồn". Bởi siêu thị là sân chơi của các nhà công nghiệp, trong khi đó, chỉ có các gia đình có truyền thống làm bánh dân gian mới hiểu hết cái hồn của món bánh và yêu quý nghề gia truyền, kinh doanh vì lòng tự hào của dòng họ. "Hãy hỗ trợ và bồi dưỡng cho họ học hiểu các kiến thức kinh doanh và kỹ thuật cần thiết để họ tự thành công", ông Đức nói thêm.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết