20/03/2012 - 08:51

Bảo toàn "sân sau"

Nguyên thủ các quốc gia Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Armenia, Moldova và Ukraina hôm qua (19-3) đã đến Thủ đô Mát-xcơ-va của Nga để tham dự hội nghị thượng đỉnh Hội đồng liên quốc gia thuộc khối Liên minh kinh tế Âu-Á (Eurasec). Đây là cuộc họp cấp cao quốc tế đầu tiên của Nga kể từ khi ông Putin đắc cử tổng thống hôm 4-3 và điều này cho thấy Nga ưu tiên thúc đẩy tiến trình hội nhập khu vực trong chính sách đối ngoại sắp tới của mình.

Hồi tháng 10 năm ngoái, trong vai trò Thủ tướng Nga, ông Putin cũng đã tổ chức cuộc họp những người đứng đầu chính phủ của Eurasec tại thành phố Saint Petersburg và đạt được thỏa thuận thành lập khu mậu dịch tự do như là bước khởi đầu hoàn hảo trong kế hoạch xây dựng Liên minh Âu-Á mà ông gọi là một "hiệp hội siêu cường quốc". Trong bài viết đăng trên báo “Izvestia” trước đó, ông Putin nêu rõ Liên minh Âu-Á này cần được xây dựng trên nền tảng kế thừa của Liên bang Xô-viết về cơ sở hạ tầng, hệ thống phát triển sản xuất chuyên môn hóa cấp vùng cùng không gian chung về ngôn ngữ, khoa học và văn hóa. Ông cũng nhấn mạnh đây là một liên minh đủ khả năng trở thành một trong những trụ cột của thế giới hiện đại và làm cầu nối hiệu quả giữa châu Âu và khu vực năng động châu Á-Thái Bình Dương.

Dư luận phương Tây cho rằng ông Putin chủ trương khôi phục lại mô hình Liên bang Xô-viết. Tuy nhiên, trang mạng EurasiaNet đánh giá dưới góc độ địa chính trị, ông Putin chỉ muốn tập hợp lực lượng từ các nước cộng hòa Xô-viết cũ nhằm xây dựng cho Nga một vị thế tốt hơn trong thời đại mở cửa và cạnh tranh kinh tế trước các đối thủ lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc... Dĩ nhiên, với tiềm lực kinh tế và sức mạnh quân sự vốn có của mình, Nga được coi là "thủ lĩnh tự nhiên" của bất kỳ liên minh nào trong khu vực. Sức mạnh vượt trội của Liên minh Âu-Á trong giai đoạn hiện nay là năng lượng. Sự hợp sức giữa một cường quốc năng lượng như Nga và các nước Trung Á giàu dầu mỏ sẽ tạo nên một "siêu cường năng lượng" đủ sức chi phối thị trường thế giới.

Giới phân tích nhận định Mát-xcơ-va đang nỗ lực duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các nước cộng hòa Xô-viết cũ, coi đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với tương lai của nước Nga hùng mạnh. Phương Tây vẫn đang tìm đủ mọi cách lôi kéo các nước này để hạn chế ảnh hưởng của Nga, nhưng người Nga tin rằng nước Nga dưới sự lãnh đạo của ông Putin có đủ khả năng bảo toàn và hợp nhất khu vực được coi là "sân sau" của họ.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết