17/09/2020 - 07:17

Bắc Cực chuyển sang vùng khí hậu khác? 

Nghiên cứu mới đây của các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Mỹ cho biết, tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu ở Bắc Cực nghiêm trọng đến mức khu vực này đang chuyển sang một vùng khí hậu khác, ít băng và tuyết nhưng lại nhiều nước và mưa hơn.

Tàu phá băng Polarstern (Đức) thám hiểm ở Bắc Băng Dương hồi tháng 8. Ảnh: NYT

Tàu phá băng Polarstern (Đức) thám hiểm ở Bắc Băng Dương hồi tháng 8. Ảnh: NYT

Sử dụng nguồn dữ liệu quan sát cũng như mô phỏng máy tính, các chuyên gia phát hiện Bắc Cực đang ở trong một mô hình khí hậu mới, đó là lượng băng trong những năm gần đây luôn ít hơn so với dự kiến, thậm chí còn ít hơn những năm lượng băng giảm mạnh nhất hồi giữa thế kỷ 20. Từ cuối những năm 1970 khi lượng băng bắt đầu được đo lường bằng vệ tinh, băng ở Bắc Cực đã giảm khoảng 12% mỗi thập kỷ. Năm nay được dự đoán là năm có lượng băng thấp kỷ lục, đặc biệt là vào cuối tháng 9 này khi mà thời kỳ tan băng vào mùa hè kết thúc.

Bắc Cực là một trong những khu vực  chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới, với nhiệt độ tăng mạnh, băng tan và các tác động khác bên cạnh băng biển suy giảm. “Mọi người đều biết Bắc Cực đang thay đổi. Chúng tôi muốn định lượng xem đây có phải là khí hậu mới hay không. Bắc Cực đã thay đổi quá nhiều và nhanh đến mức không thể dự đoán được khí hậu mới ở đây sẽ như thế nào” - Tiến sĩ Laura Landrum, đồng tác giả nguyên cứu, lo ngại.

Bà Landrum nói rằng các cộng đồng ở Bắc Cực đang phải hứng chịu hậu quả của những thay đổi trên. Theo đó, một số làng thổ dân Alaska đang phải cân nhắc di dời chỗ ở khi các bờ biển ngày càng bị xói mòn, trong khi các loài động vật tại khu vực có nguy cơ bị chết đói. Đáng lo ngại, các chuyên gia tại Đại học Helsinki (Phần Lan) cảnh báo, các loại côn trùng ở Bắc Cực đang biến đổi do biến đổi khí hậu. Họ đã hợp tác với các nhóm nghiên cứu đến từ Đan Mạch, Canada, Nga, Na Uy, Phần Lan và Iceland để so sánh các khu vực nơi mà khí hậu đã thay đổi với tốc độ và theo những cách khác nhau trong mấy thập kỷ gần đây.

Hiện tượng cháy ở Bắc Cực

Trong khi đó, các đám cháy bùng phát dọc theo Vòng Bắc Cực vào mùa hè năm nay đã khiến các thành phố ở Siberia chìm trong khói và là mùa cháy bất thường thứ 2 liên tiếp. Mùa cháy kết thúc hồi cuối tháng trước đã thải ra 244 triệu tấn khí carbon dioxide (CO2), tăng 35% so với năm ngoái. Các chuyên gia nói rằng “thủ phạm” có thể là các vùng đất than bùn đang bị đốt cháy.

Đất than bùn là loại đất giàu carbon được hình thành khi cây bị úng nước từ từ thối rữa, đôi khi trong hàng ngàn năm. Đây là hệ sinh thái đậm đặc carbon nhất trên Trái đất. Một vùng đất than bùn điển hình chứa lượng carbon nhiều gấp 10 lần so với một khu rừng. Khi đất than bùn cháy, nó giải phóng cacbon đang lưu trữ vào bầu khí quyển, làm gia tăng các loại khí giữ nhiệt gây biến đổi khí hậu và thúc đẩy quá trình tan  băng nhanh hơn.

Sông băng lớn nhất tại Greenland đang tan chảy
Một khối băng khổng lồ - có diện tích lớn hơn cả thủ đô Paris của nước Pháp - đã tan chảy và tách khỏi sông băng lớn nhất ở Bắc Cực do nhiệt độ ấm lên tại Greenland.
Trong thông báo ngày 14-9, ông Jason Box, Giáo sư nghiên cứu về sông băng thuộc Viện Địa chất Đan Mạch và Greenland (GEUS), cho biết khối băng trên có diện tích lên tới 113 km2 và tách khỏi sông băng Nioghalvfjerdsfjorden ở phía Đông Bắc Greenland. Theo ông, các nhà khoa học đang chứng kiến phần còn lại của sông băng này cũng đang tan chảy với tốc độ ngày càng nhanh. GEUS cũng công bố những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy các tảng băng đã vỡ và tách ra từ sông băng nói trên.

TRÍ VĂN (Theo NYT, Science Daily)

Chia sẻ bài viết