27/11/2017 - 09:39

Bà Merkel thoát hiểm! 

Thủ tướng Đức Angela Merkel (ảnh) hôm 25-11 đã đổi giọng khi cho biết sẽ thành lập chính phủ mới càng sớm càng tốt, đồng thời nói rằng yêu cầu cử tri đi bỏ phiếu lần nữa là “sai trái”. Còn nhớ chỉ mấy ngày trước đó, chính bà khẳng định Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo/Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) đã sẵn sàng cho cuộc bầu cử mới sau khi đàm phán thành lập chính phủ liên hiệp giữa CDU/CSU và hai đảng nhỏ là Dân chủ Tự do và đảng Xanh đổ vỡ.

Sở dĩ có sự “chuyển tông” như vậy là do sau thời gian kiên quyết nói không với CDU/CSU, đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) cuối tuần rồi đã bất ngờ tuyên bố để ngỏ khả năng đàm phán thành lập chính phủ đại liên minh như từng tồn tại trong giai đoạn 2005-2009 và 2013-2017, đều dưới thời bà Merkel. Để thuyết phục SPD thay đổi lập trường, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier đã có cuộc gặp ma-ra-tông kéo dài 8 tiếng đồng hồ với chủ tịch đảng này Martin Schulz, nhân vật từng là Chủ tịch Nghị viện châu Âu.

Thật ra, bản thân ông Schulz cũng đang chịu sức ép rất lớn từ nội bộ SPD. Theo tờ Bild, trong một cuộc họp mới đây, có tới 1/5 trong tổng số 153 nghị sĩ đảng này bày tỏ nghi ngờ về quyết định của lãnh đạo không chịu bắt tay bà Merkel. Thậm chí vị trí chủ tịch của ông Schulz có thể bị thách thức nếu cứ khư khư đòi trở thành đảng đối lập mạnh. Được biết Ngoại trưởng Sigmar Gabriel, người tiền nhiệm của ông Schulz trong SPD, cũng ủng hộ nối lại hợp tác với liên đảng bảo thủ CDU/CSU.

Về phần mình, Thủ tướng Merkel có lẽ cũng không muốn mạo hiểm bầu cử lại. Trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9, CDU/CSU nhận được tỉ lệ ủng hộ 33,5%, thấp nhất kể từ năm 1949. Và theo kết quả thăm dò dư luận được công bố đầu tuần rồi, con số đó có thể chỉ là 31% nếu cử tri một lần nữa đến hòm phiếu.

Không chỉ CDU/CSU mà các đảng khác, kể cả SPD, đều không muốn bỏ phiếu lại do lo ngại đảng cực hữu Sự lựa chọn thay thế vì nước Đức (AfD)sẽ lợi dụng cơ hội này để giành thêm ghế. Trong cuộc bầu cử vừa qua, AfD không những lần đầu có chân trong Quốc hội liên bang mà còn trở thành chính đảng lớn thứ ba, chỉ sau CDU/CSU và SPD.

Có thể nói việc SPD nối lại đàm phán với CDU/CSU, tiếp tục chấp nhận lu mờ trước “cái bóng”’ quá lớn của bà Merkel, một phần là vì bản thân họ, một phần là vì “đại cục”. Tuy nhiên, ông Schulz khẳng định sự hợp tác lần này là có điều kiện. Chắc chắn bà Merkel sẽ phải nhượng bộ không ít trong cuộc gặp giữa lãnh đạo CDU/CSU và SPD do Tổng thống Steinmeier chủ trì vào ngày 30-11 tới. Uy quyền của bà do vậy có thể cũng vơi đi trong nhiệm kỳ 4.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết