01/10/2023 - 07:57

Armenia đi tìm ngã rẽ mới 

Căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan liên quan cuộc khủng hoảng khu vực ly khai Nagorno - Karabakh hiện đang đặt ra câu hỏi về vị thế của Nga trong khu vực, giữa lúc Armenia và phương Tây ngày càng xích lại gần nhau.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh CSTO ở Yerevan hồi tháng 11-2022. Ảnh: AP

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh CSTO ở Yerevan hồi tháng 11-2022. Ảnh: AP

Trong thập niên 1990, khu vực miền núi Nagorno - Karabakh ly khai và tuyên bố độc lập khỏi Azerbaijan sau khi Liên Xô sụp đổ. Tuy được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan, nhưng cư dân ở Nagorno - Karabakh và 7 vùng xung quanh chủ yếu là người dân tộc Armenia. Chính quyền “Cộng hòa Artsakh” tự xưng nơi đây cũng có liên hệ chặt chẽ với Chính phủ Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp dai dẳng giữa 2 nước láng giềng, nhưng tình hình thực địa kể từ cuộc chiến năm 1994 cơ bản không thay đổi. Cho tới tháng 9-2020, Azerbaijan mở chiến dịch quân sự và giành kiểm soát nhiều vùng trọng điểm tại Nagorno - Karabakh. Nga sau đó làm trung gian cho một thỏa thuận đình chiến giữa Baku và phe ly khai Nagorno - Karabakh; đồng thời triển khai gần 2.000 binh sĩ đến khu vực này để giám sát.

Tuy nhiên, căng thẳng vẫn tiếp diễn khi 2 bên nhiều lần cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Từ tháng 12 năm ngoái, mâu thuẫn bùng lên sau khi Azerbaijan chặn hành lang Lachin, cắt đứt con đường duy nhất nối Nagorno - Karabakh với Armenia. Đến ngày 19-9, Azerbaijan khởi động chiến dịch “chống khủng bố” nhắm vào Nagorno - Karabakh. Sau 24 giờ, lực lượng Azerbaijan nhanh chóng xuyên thủng các phòng tuyến phe ly khai, chiếm giữ các vị trí chiến lược và buộc chính quyền tự trị nơi đây hạ vũ khí, chấp nhận đàm phán sáp nhập vào lãnh thổ Azerbaijan.

Trước các ý kiến cho rằng Điện Kremlin chưa làm đủ để ngăn chặn giao tranh vùng Nam Kavkaz, Bộ Ngoại giao Nga đổ lỗi cho cách tiếp cận “không nhất quán” và “vô trách nhiệm” của Armenia khiến căng thẳng leo thang. Cơ quan này cũng kêu gọi Mỹ kiềm chế lời nói và hành động dẫn đến sự gia tăng giả tạo trong quan điểm chống Nga ở Armenia. Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói rằng Nga đã cho thấy họ không phải là một đối tác đáng tin cậy sau khi Yerevan đổ lỗi cho Mát-xcơ-va vì không can thiệp vào chiến dịch tấn công của Azerbaijan.

Vốn Nga có liên hệ chặt chẽ với Azerbaijan lẫn Armenia và là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho cả 2 trong giai đoạn 2011-2020. Song, Armenia phụ thuộc vào Mát-xcơ-va nhiều hơn như một bên đảm bảo an ninh trong nhiều thập kỷ. Hiện nước này là một trong số 6 thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga lãnh đạo. Tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), CSTO được thành lập dựa trên nguyên tắc phòng thủ tập thể, nghĩa là một cuộc tấn công vào bất kỳ thành viên nào sẽ được coi là tấn công vào tất cả nước còn lại. Tuy nhiên, các nhà chức trách Armenia ngày càng thất vọng với điều mà họ cho là Điện Kremlin thiếu thiện chí hỗ trợ đất nước. 

Kể từ cuộc cách mạng màu thân châu Âu năm 2018, Armenia bắt đầu tăng cường quan hệ với phương Tây trong bối cảnh ràng buộc an ninh giữa Yerevan và Mát-xcơ-va trở nên xấu đi. Đặc biệt khi căng thẳng với Azerbaijan leo thang vào tháng 9-2022, Yerevan dần giữ khoảng cách với CSTO. Đầu năm nay, Armenia đã từ chối tổ chức cuộc tập trận quân sự CSTO trên lãnh thổ của mình. Hồi giữa tháng 9, họ còn tham gia cuộc tập trận chung “Đối tác đại bàng 2023” với quân đội Mỹ.  Armenia cũng đã lần đầu tiên cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine. Một cuộc thăm dò do Viện Cộng hòa Quốc tế (IRI) thực hiện cho thấy nhiều người Armenia coi Pháp, Iran và Mỹ mới là đối tác chính trị quan trọng. Ngoài ra, khảo sát dư luận năm 2022 của dự án Láng giềng phía Đông của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy nhiều người Armenia tin tưởng khối này hơn bất kỳ tổ chức quốc tế nào.

Theo các nhà chuyên môn, hầu hết chỉ số dân chủ của Armenia có thể so sánh với một số ứng cử viên EU. Tuy vẫn chưa nộp đơn xin gia nhập khối, nhưng nước này và EU từng ký Thỏa thuận Đối tác toàn diện và nâng cao vào năm 2017. Nhưng trước khi theo đuổi tư cách thành viên của EU, Armenia chắc chắn đối mặt những thách thức đặc biệt khi phải rút khỏi cả CSTO và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU). Viễn cảnh này khiến Armenia rơi vào tình trạng lấp lửng về kinh tế cũng như không được đảm bảo an ninh.

MAI QUYÊN (Theo CNBC, Emerging Europe)

Chia sẻ bài viết