03/02/2023 - 08:56

Anh có thể tái gia nhập EU “bất cứ lúc nào” 

MAI QUYÊN

Theo cựu trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier, cơ hội để nước Anh trở lại vẫn còn nhưng Luân Đôn có thể vấp nhiều trở ngại do những khác biệt quá lớn so với các quy tắc EU hiện nay.

Cựu trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit, Michel Barnier. Ảnh: Telegraph

Cựu trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit, Michel Barnier. Ảnh: Telegraph

Kể từ khi Anh chính thức rời EU (Brexit) vào năm 2020, hai bên vẫn  mâu thuẫn về cách thức thực hiện các thỏa thuận liên quan biên giới mở giữa Bắc Ireland (vùng lãnh thổ thuộc Anh) và Ireland - quốc gia thành viên EU. Sau nhiều tháng căng thẳng, các bên gần đây đã đạt được tiến bộ trong quá trình giải quyết tranh cãi liên quan Nghị định thư Bắc Ireland, cho phép vùng Bắc Ireland vẫn nằm trong thị trường hàng hóa chung của EU nhằm tránh tạo ra “biên giới cứng” trên đảo Ireland.

Tuy nhiên, việc thực thi nghị định trên đã dẫn tới tình trạng chia cắt về mặt thủ tục giữa Bắc Ireland với phần còn lại của nước Anh. Đến ngày 31-1 vừa rồi, truyền thông cho biết Luân Đôn và Brussels đạt được thỏa thuận hải quan có thể giúp chấm dứt tranh cãi. Bên cạnh đó, EU cũng đưa ra nhượng bộ quan trọng về vai trò của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ).

Đánh giá các tiến bộ đạt được, ông Barnier tại một hội thảo về chính sách cho biết bản thân rất lạc quan trước khả năng Anh và EU đạt thỏa thuận khi cả 2 có chung mong muốn tìm ra các giải pháp hiệu quả. Mặc dù khi nhìn lại, quan chức này thừa nhận bản thân vẫn hối tiếc trước việc Anh rời khối, rằng để Luân Đôn ra đi là một “thất bại” đối với liên minh 27 nước thành viên. “Brexit không có lợi cho bất cứ ai. Đây là trò chơi mà mọi người cùng thua” - ông Barnier kết luận.

Vì điều này, ông Barnier cho biết cánh cửa vẫn để ngỏ và Anh có thể tái gia nhập EU bất cứ lúc nào. Dĩ nhiên, mọi quyết định đều là lựa chọn của riêng nước Anh. 

Anh đối mặt nhiều thách thức

Theo các cuộc thăm dò dư luận, tỷ lệ người Anh hối hận khi rời EU ngày càng nhiều hơn những người chấp thuận Brexit. Ngày 1-2, công ty tư vấn di cư đầu tư Henley & Partners công bố dữ liệu cho thấy khoảng 1.400 triệu phú rời khỏi nước Anh trong năm 2022. Trước khi rời EU, Anh là quốc gia nhận lượng lớn vốn ròng từ các triệu phú. Tình thế thay đổi sau khi Brexit được ký vào năm 2016, với khoảng 12.000 triệu phú đã rời khỏi xứ sương mù đến nay.

Thông tin này được đưa ra giữa các đánh giá của truyền thông, rằng người dân Anh vẫn chưa được hưởng lợi từ việc đất nước rời EU như những gì các chính trị gia hứa hẹn. Một trong những bằng chứng rõ ràng nhất về thiệt hại của Brexit nằm ở dữ liệu thương mại. Theo Hãng tin Bloomberg, kể từ giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc vào ngày 31-12-2020, Anh đã bị tụt hậu về thương mại, đầu tư và tỷ trọng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) so với một số nền kinh tế lớn khác ở châu Âu. Còn trong Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), Anh là quốc gia duy nhất chưa lấy lại được quy mô hoạt động kinh tế cũng như tỷ lệ việc làm chưa thể phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19. Trong cảnh báo mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến kinh tế Anh bị thu hẹp 0,6% trong năm nay, trái ngược dự đoán về tăng trưởng của phần còn lại của G7.

Chia sẻ bài viết