12/09/2015 - 17:03

Ấn Độ thời khan hiếm cô dâu

Việc thiếu trầm trọng những cô gái trong độ tuổi kết hôn ở Ấn Độ đang góp phần thay đổi hủ tục cưới gả lâu đời tại nước này. Nhưng mặt khác, thiếu cô dâu cũng dẫn đến sự gia tăng tình trạng buôn người, theo một bài viết đăng trên Washington Post mới đây.

Trong các cuộc hôn nhân sắp đặt, vốn phổ biến ở Ấn Độ, phụ nữ trẻ ít có sự lựa chọn. Thường là khi lấy chồng, họ phải mang theo của hồi môn bao gồm tivi, tiền và vàng. Nhưng nay, các cô dâu tương lai lại có quyền đưa ra yêu cầu đối với nhà trai và trong nhiều trường hợp, họ không cần mang theo của hồi môn khi về nhà chồng. Đặc biệt, với những cô gái thuộc gia đình trung lưu hoặc giàu có, tình trạng khan hiếm cô dâu mang đến cho họ nhiều quyền hạn hơn trong việc chọn lựa ý trung nhân.

Chị Sreeja Berwal (ở bang Kerala) được gả về Haryana – nơi đang khan hiếm cô dâu – mà không phải mang theo của hồi môn.

Em họ của Sudarsan Raghavan, tác giả bài viết, là một ví dụ điển hình cho nam giới Ấn Độ khó tìm được vợ. Người này được đánh giá là đẹp trai và có cơ ngơi làm ăn đàng hoàng ở Mumbai. Nhưng sau nhiều tháng tìm kiếm cô dâu, anh và gia đình thấy rằng tất cả các cô gái tiềm năng đều muốn họ trả lời một số câu hỏi nghiêm túc trước khi xem xét việc kết hôn, như: Có bao nhiêu tiền tiết kiệm trong ngân hàng? Có đầu tư hay sở hữu bất động sản gì không? Có tốt nghiệp ở một trường đại học hàng đầu? Đi xe hiệu gì? Có hộ chiếu Mỹ hoặc Anh hay không? Kết quả là đến nay, anh chàng này vẫn độc thân.

Tại một số vùng ở Ấn Độ, muốn tìm được vợ, đàn ông thường phải đi rất xa. Theo AP, đàn ông ở làng Sorkhi thuộc bang Haryana (phía Bắc nước này) hiện phải vượt chặng đường hơn 2.700 km về phía Nam đến bang Kerala để tìm người phụ nữ chịu kết hôn với họ. Những người lớn tuổi cho biết lý do là phụ nữ ở Sorkhi khá kén chọn, nên khoảng 250 thanh niên trong làng vẫn còn đơn độc. "Trước kia, các gia đình có con gái trong độ tuổi kết hôn sẽ tìm chồng cho con và lôi kéo họ bằng vô số của hồi môn. Còn bây giờ, mọi chuyện đã đảo ngược. Gia đình của cô gái sẽ kiểm tra chàng trai xem anh ta có bao nhiêu đất đai, có làm việc cho chính phủ hay không và liệu con gái của họ sẽ sống thoải mái không" - Virender Berwal, một dân làng, nói với AP.

Được biết tại Haryana, tỷ lệ bé trai/bé gái từ 6 tuổi trở xuống hiện nay là 1.000/834. Trên khắp cả nước, tỷ lệ nam/nữ có cùng độ tuổi là 1.000/919, mức chênh lệch cao nhất kể từ năm 1947 khi Ấn Độ giành độc lập. Nguyên nhân chính là do tình trạng bỏ thai để lựa chọn giới tính, phần là vì người dân có tư tưởng cổ hủ "trọng nam khinh nữ", phần là vì hủ tục gả con gái phải kèm theo của hồi môn "hậu hĩnh" nên các gia đình nghèo chỉ muốn sinh con trai. Tình trạng này vẫn tồn tại ngay cả khi luật pháp cấm đòi của hồi môn và cấm xác định giới tính thai nhi.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho rằng tình trạng thiếu phụ nữ hiện nay đang góp phần gia tăng nạn buôn người, nói thẳng ra là buôn bán cô dâu. Theo đó, các cô gái được hứa tìm giúp một công việc hay một người chồng, nhưng sau đó bị bán cho những kẻ môi giới và tiếp tục bị bán cho những người đàn ông khó tìm vợ. Thống kê từ Cục Quản lý Hồ sơ Tội phạm Quốc gia Ấn Độ (INCR) cho thấy, gần 25.000 trẻ em gái và phụ nữ tuổi từ 15 đến 30 đã bị bắt cóc và bán đi làm vợ trên cả nước trong năm 2013. Theo AP, cảnh sát New Delhi gần đây đã phá một đường dây buôn người chuyên bán các cô gái cho đàn ông ở Haryana.

THANH TRÚC (Theo Washington Post)

Chia sẻ bài viết