30/09/2008 - 09:19

Ai đứng đằng sau vụ đánh bom đẫm máu ở Syrie?

Hiện trường vụ đánh bom ở Damas hôm 27-9. Ảnh: AFP

Vụ đánh bom xe bên ngoài khu tổ hợp an ninh ở Thủ đô Damas cuối tuần rồi có thể là dấu hiệu cho thấy Syrie đang trả giá cho việc nước này thay đổi chính sách, từ cứng rắn sang ôn hòa nhằm cải thiện vị thế trên trường quốc tế. Chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công làm 17 người thiệt mạng và 14 người khác bị thương, Damas cũng không trực tiếp cáo buộc ai, nhưng theo báo giới Syrie, sự việc này có thể liên quan tới các tổ chức nước ngoài, ám chỉ nước láng giềng Liban, vốn bị coi là căn cứ của các phần tử Hồi giáo cực đoan dòng Sunni.

Các tay súng Hồi giáo cực đoan dòng Sunni (còn gọi là Salafist, tổ chức “chân rết” của mạng lưới khủng bố Al Qaeda) bị cáo buộc gây ra hàng loạt vụ tấn công chống chính quyền Tổng thống Bashar al Assad và các phái đoàn ngoại giao nước ngoài ở Syrie những năm gần đây. Các nhà phân tích cho rằng Salafist đang tức giận việc Syrie siết chặt an ninh biên giới với Iraq, khiến cho tuyến đường chi viện quan trọng của lực lượng nổi dậy chống liên quân do Mỹ cầm đầu ở Iraq bị cắt đứt. Salafist cũng phản đối chính quyền ông Assad liên minh với Iran, quốc gia Hồi giáo dòng Shiite.

Lâu nay, Mỹ vẫn xem Syrie là “lực lượng gây bất ổn” ở Trung Đông, bởi nước này là đồng minh của Iran và phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah ở Liban. Washington còn cáo buộc Damas dung túng một số tổ chức cực đoan người Palestine. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Syrie đã nỗ lực tăng cường các hoạt động ngoại giao nhằm thoát khỏi sự cô lập của phương Tây, và tiến hành đàm phán hòa bình gián tiếp với Israel. Bước ngoặt quan trọng trong xu hướng này là sự kiện Tổng thống Assad tới Paris tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Địa Trung Hải, theo lời mời của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hồi tháng 7. Mới đây, Syrie cũng đã đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao với Liban, lần đầu tiên kể từ khi hai nước độc lập năm 1943.

Bộ trưởng Nội các Israel Isaac Herzog cho rằng vụ đánh bom có thể liên quan tới các cuộc đàm phán giữa Syrie với Israel. Theo ông Herzog, nhiều người muốn làm lệch hướng tiến trình này, cụ thể là Iran, “kẻ thù không đội trời chung” của Israel. Trong khi đó, Ngoại trưởng Syrie Waled Mouallem lại khẳng định vụ này “có bàn tay Israel”.

Lại có một giả thuyết khác cho rằng vụ đánh bom đẫm máu cuối tuần rồi là do tranh giành quyền lực giữa các cơ quan an ninh Syrie. Theo tờ “As-Sharki Al-Ausat” xuất bản tại Luân Đôn, Giám đốc Tổng cục Quân báo Syrie Asif Shaukad chính là mục tiêu của vụ tấn công, nhưng ông may mắn thoát nạn. Tháng 8 vừa qua, một tướng tình báo hàng đầu của Syrie đã thiệt mạng trong một vụ ám sát.

N.MINH (Theo AP, Los Angeles Times)

Chia sẻ bài viết