Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Steven Chu hôm 23-6 vừa qua thông báo rằng Mỹ và các đối tác trong Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ xuất tổng cộng 60 triệu thùng dầu trong các kho dự trữ quốc gia vào thị trường thế giới trong vòng 30 ngày tới để bù vào nguồn cung dầu đang bị gián đoạn vì tình hình bất ổn ở Trung Đông. Trong số 60 triệu thùng dầu này, Mỹ sẽ góp một nửa, một nửa kia sẽ được 27 quốc gia thành viên còn lại của IEA phân chia cụ thể trong vài ngày tới. Nhà phân tích Coral Davenport, trong bài viết đăng trên tờ National Journal của Mỹ số ra ngày 24-6, cho rằng động thái ấy của Nhà Trắng có tác dụng về chính trị, kinh tế và cả đối ngoại.
Đây là lần thứ ba Mỹ quyết định mở kho dự trữ dầu chiến lược kể từ khi nó được lập ra vào năm 1973 để dành cho những trường hợp thuộc diện “khẩn cấp quốc gia”. Lần thứ nhất kho được mở là trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 dưới thời Bush cha và lần thứ hai dưới thời Bush con sau khi cơn bão Katrina càn quét nước Mỹ năm 2005.
Bộ trưởng Chu tuyên bố tùy thuộc vào mức độ tác dụng của động thái nói trên đối với thị trường toàn cầu, IEA có thể xem xét xuất thêm dầu trong kho dự trữ quốc gia trong tháng tới. Một quan chức cấp cao ở Nhà Trắng nói mở kho dự trữ đơn thuần chỉ là nhằm xoa dịu những lo ngại rằng việc nguồn cung cấp dầu bị siết chặt trong bối cảnh nhu cầu đang tăng có thể đe dọa sự phục hồi mong manh của nền kinh tế Mỹ và thế giới. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà phân tích, động thái ấy có tác dụng chính trị quan trọng. Thực tế cho thấy giá xăng dầu leo thang trong những tháng đầu năm nay đã làm giảm tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Barack Obama và chính quyền của ông. Nhiều chiến lược gia Nhà Trắng ghi nhận rằng sự giận dữ của cử tri trước tình trạng giá xăng dầu tăng dường như đóng một vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012.
Sau thông báo của Bộ trưởng Chu, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 8-2011 giảm 4,39 USD xuống còn 91,02 USD/thùng. Như vậy, giá dầu đã giảm hơn 20% so với mức cao nhất kể từ năm 2008 là 114 USD/thùng hồi đầu tháng 5-2011. Tại Luân Đôn, giá dầu thô Brent biển Bắc giao cùng tháng giảm 6,95 USD xuống còn 107,26 USD/thùng.
Bộ trưởng Chu và các quan chức IEA nói rằng trước khi đi đến thống nhất xuất kho dự trữ dầu, họ đã tham vấn đầy đủ với các nước tiêu thụ và sản xuất dầu hàng đầu thế giới, trong đó có Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Tuy nhiên, nhà phân tích Kevin Book thuộc tổ chức Các đối tác Năng lượng ClearView cho rằng động thái của Mỹ và IEA dường như là “hành động đáp trả và lời quở trách rõ ràng” đối với OPEC. Nó có liên quan tới việc OPEC đã không tăng sản lượng sau cuộc họp nhóm hôm 8-6. Book nói: “Đó là phản ứng cho cách thức mà các nước xuất khẩu dầu của thế giới đã thể hiện thời gian qua. Đây là lần xuất bán dầu lớn nhất trong lịch sử các kho dự trữ dầu chiến lược của thế giới. Nó sắp trở thành một ngày mà OPEC không bao giờ quên”.
NHẬT QUANG (Theo Reuters, NationalJournal)