28/11/2013 - 08:20

“Quyền sư”- Võ học dưới cái nhìn nhân văn

 

"Quyền sư" là truyện về cuộc đời của 2 võ sư danh tiếng môn phái Vịnh Xuân Quyền Việt Nam: Nguyễn Tế Công (1877-1959) và Ngô Sỹ Quý (1922-1997). Tác phẩm viết về những người học võ mà thấm nhuần đạo lý của "văn" bởi tinh thần "tôn sư trọng đạo", cách ứng xử đạo nghĩa và những tư tưởng tiến bộ… Tất cả dựa trên nền tảng: "Võ thuật cao cường, võ cách cao thượng".
Sách của Trần Việt Trung, NXB Trẻ phát hành quí III-2013.

Năm 1938, tại Hà Nội, chàng thanh niên Việt Nam Ngô Sỹ Quý và Cam Túc Cường - con trai của một thương nhân người Hoa - kết bạn với nhau vì cùng chung sở thích âm nhạc. Hai người được Nguyễn Tế Công - sư gia của nhà họ Cam - truyền dạy võ nghệ. Ngô Sỹ Quý gia nhập tự vệ Thủ đô, tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, sau đó trở thành giáo viên. Năm 1955, cụ Nguyễn Tế Công theo gia đình họ Cam di cư vào Sài Gòn rồi sang Mỹ, nhưng do không thích nghi với lối sống phương Tây nên cụ quay về Việt Nam, sống những ngày cuối đời tại Sài Gòn.

Tác giả Trần Việt Trung là đệ tử của võ sư Ngô Sỹ Quý. Qua lời kể của thầy và những tư liệu thu thập được, ông đã viết thành truyện "Quyền sư" với những phụ lục, hình ảnh tư liệu sống động. Đây là cuốn sách quý cho những người học võ và cả những người chưa biết võ, bởi tác phẩm không đơn thuần nói về võ học mà chuyển tải rất nhiều bài học về cách đối nhân xử thế.

Hai học trò còn trẻ, tính tình hiếu thắng, cụ Nguyễn Tế Công đã dạy họ tinh thần khiêm cung, nhân ái. Khi đi đường, bị một người phụ nữ vô tình giẫm phải chân, nhưng cụ lại nói lời xin lỗi. Trước sự ấm ức của hai đệ tử, cụ giảng giải: "tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Khi xem những gánh sơn đông mãi võ, cụ biết rõ mánh khóe của họ nhưng không cho học trò can dự vì: "Người ta múa võ mưu sinh, mình phải để người ta kiếm tiền chứ!". Có kẻ thách đấu đòi so tài cao thấp, cụ không nhận lời vì biết người ấy mở võ đường để kiếm sống, nếu bị thua sẽ mất danh tiếng, việc thu nạp đệ tử sẽ khó khăn… Khiêm nhường là thế nhưng khi cần ra tay, cụ đều làm cho đối phương thua tâm phục, khẩu phục.

Được bậc "Quyền sư" dạy dỗ nên chàng thanh niên Ngô Sỹ Quý, vốn nổi tiếng nghịch phá dần trở thành một chàng trai khí phách, đúng mực. Sống trong thời loạn lạc và ảnh hưởng một phần từ sư phụ - thời trẻ đã từng tham gia nghĩa quân, chống giặc ngoại xâm - nên Ngô Sỹ Quý sớm có tinh thần yêu nước và ấp ủ nhiều hoài bão. Anh gia nhập cách mạng, chiến đấu bảo vệ Thủ đô, rồi được tổ chức chọn và đào tạo thành một giáo viên, lần lượt công tác tại Trường Cao đẳng Văn hóa, Viện Khoa học giáo dục. Nhiều giáo viên, học sinh không thể quên chuyện thầy Quý dùng bản lĩnh võ nghệ của mình để thu phục một cậu học trò bất trị, cảm hóa và giáo dục cậu thành học sinh ngoan. Cách làm ấy, thầy học từ sư phụ: "học võ dùng để giúp người, giúp đời".

Với giọng văn chừng mực, trong sáng, bố cục hợp lý, tư liệu phong phú, "Quyền sư" đã khắc họa nên chân dung và làm sáng rõ thêm nhân cách của hai võ sư "đạo cao, đức trọng". Họ đã có được những học trò xuất sắc, kế thừa và phát huy những tinh hoa của võ học trong cuộc sống hiện đại. Truyện còn mang đến cho người đọc những cung bậc cảm xúc về: tình thầy trò, tình huynh đệ đồng môn, tình yêu nam nữ và cao hơn cả là tình yêu quê hương, đất nước.

CÁT ĐẰNG

 

Chia sẻ bài viết