11/05/2008 - 09:58

“Ngoại giao gấu trúc”

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng (Hồng Công) cho biết vài giờ trước khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đáp xuống sân bay Haneda ở Tokyo bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản hôm 6-5, Bộ Ngoại giao nước này đồng ý cho Thảo cầm viên Ueno ở Tokyo thuê cặp gấu trúc (1 đực, 1 cái) để thay con Ling Ling vừa qua đời trước đó hai tuần.

 Gấu trúc Ling Ling “ra đi” ở tuổi 22. Ảnh: AFP

Nhật Bản và Trung Quốc từ lâu đã có truyền thống tặng “quà gấu trúc” để đánh dấu quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ling Ling là phẩm vật mà Trung Quốc “lại quả” cho Nhật Bản năm 1992 khi phía bạn tặng con gấu trúc con chào đời ở xứ hoa anh đào nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ. Trước đó năm 1972, để mừng sự kiện hai nước tái thiết lập quan hệ ngoại giao, lần đầu tiên Bắc Kinh gởi tặng Tokyo hai con gấu trúc Lan Lan và Kang Kang.

Hiện Nhật Bản đang nuôi 8 con gấu trúc và tất cả đều thuê của Trung Quốc với cái giá mà theo các chuyên gia là không rẻ. Một quan chức Thảo cầm viên Ueno cho biết mục đích thuê gấu trúc là nhằm nghiên cứu và phối giống. Con Ling Ling Bắc Kinh gởi tặng cách đây 16 năm cũng nhằm mục đích tương tự. Tuy nhiên, Ling Ling đã khiến các chuyên gia Nhật Bản thất vọng vì cho dù bị ép thế nào nó vẫn không chịu giao phối. Bởi vậy từ năm 2005, “cụ” gấu có “quốc tịch” Nhật Bản này phải sống thui thủi một mình và cuối cùng “ra đi” vào ngày 30-4 vừa qua ở tuổi 22.

Lần này nhân chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của một vị chủ tịch Trung Quốc trong 10 năm qua, đáng lẽ Bắc Kinh có thể tặng chứ không phải cho thuê gấu trúc nhưng vì năm ngoái Trung Quốc tuyên bố sẽ không biếu gấu trúc cho nước ngoài mà chỉ cho thuê phục vụ cho công tác nghiên cứu hoặc phối giống. Gấu trúc là một trong những động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới, và hiện Trung Quốc là nơi duy nhất còn gấu trúc sinh sống trong môi trường hoang dã. Ước tính, có khoảng 1.600 con gấu trúc đang sống trong các vùng đồi núi và rừng trúc tập trung ở các tỉnh Tứ Xuyên, Cam Túc và Thiểm Tây, và 239 con sống trong môi trường nuôi nhốt.

Ngoài Nhật Bản, hãng tin Reuters cho biết, nhiều nước khác cũng được Trung Quốc biếu gấu trúc trong các chuyến viếng thăm cấp cao. Có một nước từ chối với lý do gấu trúc chỉ có thể thích nghi tốt trong môi trường sinh ra nó. Đây cũng là lý do mà một số tổ chức bảo tồn động vật hoang dã quốc tế lên tiếng bày tỏ thái độ không đồng tình với chính sách “ngoại giao gấu trúc” của Trung Quốc.

PHÚC NGUYÊN (Theo PTI, Reuters, SCMP)

Chia sẻ bài viết