04/06/2020 - 06:15

“Hậu trường” quan hệ WHO-Trung Quốc trong COVID-19 

Trái với ca ngợi của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus về “tốc độ phát hiện” và “cam kết minh bạch” của Trung Quốc trong đại dịch COVID-19, điều tra độc lập của hãng tin Mỹ AP từ nội bộ cơ quan này cho thấy các chuyên gia đã phải “vật lộn” để có được thông tin cần thiết từ Bắc Kinh trong những ngày đầu dịch bệnh bùng phát.

Tổng Giám đốc WHO Tedros (trái) trong  một cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Đầu tháng 1, Giám đốc bộ phận xử lý các vấn đề khẩn cấp của WHO Michael Ryan từng quan ngại COVID-19 có thể lặp lại kịch bản dịch SARS năm 2003. Thời điểm đó, Trung Quốc đã che giấu tình hình trong thời gian đầu dịch bệnh bùng phát và chỉ công khai khi SARS diễn ra nhiều tháng. Việc Bắc Kinh không minh bạch, cản trở y học hiểu rõ về virus cùng sự thiếu sẵn sàng của các quốc gia khu vực trong đối phó đại dịch, tất cả đã dẫn đến hậu quả chết người.

Và trong các bản ghi âm gần đây AP thu được qua phỏng vấn và tài liệu nội bộ, ông Ryan bức xúc cho biết kịch bản trên đang bị lặp lại khi các chuyên gia WHO phải cố gắng mới nắm thông tin về COVID-19 từ Trung Quốc. Nhiều quan chức WHO trong các cuộc họp nội bộ từ ngày 6-1 đã liên tục phàn nàn việc Trung Quốc không chia sẻ dữ liệu cần thiết để đánh giá nguy cơ COVID-19 với phần còn lại của thế giới.

Cụ thể, nhà dịch tễ Maria Van Kerkhove than phiền việc các chuyên gia phải cố tìm hiểu dịch bệnh dựa trên những thông tin nhỏ giọt, tạo thành rào cản lớn trong công tác ứng phó. Người ta còn nghe đại diện của cơ quan này tại Trung Quốc Gauden Galea nói rằng họ nhận thông tin chỉ 15 phút trước khi chúng được công bố trên kênh truyền hình trung ương. Bản thu còn ghi lại lời của ông Ryan chỉ trích cường quốc châu Á không hợp tác như những quốc gia khác trước đây và đề nghị tiếp tục gây áp lực lên Bắc Kinh.

Tiết lộ trên của AP được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước đang yêu cầu tiến hành cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch đã lây nhiễm cho gần 6,5 triệu người và hơn 383 ngàn ca tử vong trên thế giới kể từ khi bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán vào cuối năm ngoái. Theo tờ Guardian, cảnh báo ban đầu về COVID-19 đã được truyền ra thời điểm đó nhưng bị chính quyền địa phương kiểm soát. Đến ngày 31-12, WHO lần đầu tiên nhận được báo cáo từ Trung Quốc về việc phát hiện một chủng virus mới chưa từng biết tới. Tổ chức này yêu cầu Bắc Kinh cung cấp thêm thông tin vào ngày 1-1-2020 và theo luật quốc tế, các quốc gia thành viên có 24 đến 48 giờ để trả lời. Trung Quốc hai ngày sau đã báo cáo có 44 trường hợp lây nhiễm nhưng tiếp tục giữ lại những thông tin quan trọng.

Đến ngày 9-1, thông tin dịch bệnh COVID-19 do SARS-CoV-2 gây ra được công khai trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh khẳng định đây không phải bệnh truyền nhiễm. Mãi đến ngày 20-1, Trung Quốc mới xác nhận khả năng lây nhiễm của COVID-19 khi các bệnh viện ở Vũ Hán quá tải bệnh nhân và nhiều ca nhiễm khác được phát hiện trên khắp khu vực. Mười ngày sau, Tổng Giám đốc WHO ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu và lại tiếp tục dành nhiều lời khen ngợi cũng như cảm ơn Trung Quốc.

Theo Giáo sư Ali Mokdad tại Viện Đánh giá và Nghiên cứu Y tế của Đại học Washington (Mỹ), thế giới đáng ra đã cứu được nhiều mạng sống hơn và tránh được con số tử vong khủng khiếp nếu Trung Quốc và WHO hành động nhanh chóng. Nhưng ông và nhiều chuyên gia khác cũng thừa nhận tình huống có thể còn tồi tệ hơn hiện nay nếu cơ quan Liên Hiệp Quốc không nhận được bất kỳ thông tin nào một khi “làm căng” với Trung Quốc.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết