02/09/2016 - 15:53

“Gỡ khó” cho biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp

"Hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp (BDNTCN) của TP Cần Thơ đang khá trầm lắng và chưa thu hút người xem" - là nhận định của nhiều đại biểu tại tọa đàm về nâng cao chất lượng hoạt động BDNTCN của thành phố đến năm 2020 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức mới đây. Những giải pháp để gỡ khó cho tình trạng này cũng được đưa ra với kỳ vọng tìm lại vị thế của nghệ thuật Cần Thơ.

* Khán giả chưa mặn mà

Hiện tại, hoạt động BDNTCN của Cần Thơ hầu hết do Nhà hát Tây Đô đảm trách. Hằng năm, đơn vị này tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân theo chỉ tiêu của Hội đồng nhân dân thành phố giao, tham gia các hội thi, hội diễn và biểu diễn phục vụ các sự kiện của thành phố.

Vở cải lương "Bông mận trắng" do Đoàn Cải lương Tây Đô biểu diễn.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu nhìn nhận, người dân chưa mặn mà với các chương trình biểu diễn này. Phần nhiều chương trình, địa phương và ban tổ chức phải huy động khán giả đến xem. Nguyên nhân của sự không mặn mà đó là các kịch bản quá cũ kỹ, nhàm chán, thiếu đột phá trong nội dung, nghệ thuật. Nhạc sĩ Hồ Hoàng, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, thẳng thắn: "Nhiều chương trình không coi cũng biết diễn cái gì: một vài bài ca khúc cách mạng, một vài bài về quê hương đất nước rồi hát về Cần Thơ, Cần Thơ vươn tới tương lai… Cứ lối mòn như thế từ chương trình này sang chương trình khác".

Đồng tình với quan điểm này, soạn giả Nhâm Hùng, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô, cho rằng, việc mỗi chương trình cứ mỗi người lên hát một bản rồi ráp lại như vậy là tạm bợ, thiếu điểm nhấn. Ông Hùng chỉ ra việc Đoàn Cải lương Tây Đô bao nhiêu năm qua hễ tham dự Hội thi Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc là chọn đề tài chiến tranh cách mạng. "Tôi không phủ nhận cái hay của đề tài này nhưng nói mãi thành cũ. Sao ta không thể nghiệm ở những đề tài mới, sát với đời sống hiện nay?"- ông Nhâm Hùng nêu vấn đề.

Nhiều đại biểu còn lo ngại thực trạng "chảy máu" nhân tài khi mà nhiều nghệ sĩ quê hương Cần Thơ hoặc từng gắn bó với Cần Thơ hầu hết đều "đi tứ xứ". Theo NSƯT Trúc Linh, không phải các nghệ sĩ nặng đồng tiền mà rời Cần Thơ chỉ bởi sự quan tâm, "đất dụng võ" cho họ còn ít, không có điều kiện phát huy nghề nghiệp. Còn nhạc sĩ Hồ Hoàng so sánh: "Cần Thơ hiện có Nghệ sĩ Nhân dân, có nghệ sĩ đạt một số huy chương vàng tại các hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc nhưng thù lao biểu diễn thì ba đồng ba cọc; trong khi các ca sĩ nhạc trẻ mới nổi mời về phải trả vài chục thậm chí cả trăm triệu đồng. Sao bất công quá vậy?".

* Lối ra

NSƯT Huỳnh Khải, Trưởng Khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, cho rằng, chủ đề của tọa đàm là "nâng cao chất lượng", vậy ngành văn hóa Cần Thơ cần đánh giá được chất lượng BDNTCN đang ở đâu để "nâng cao". Từ trước đến nay, nhiều người làm nghệ thuật vẫn thích làm chương trình hoành tráng, màu sắc nhưng không để ý đến sự đón nhận của khán giả. Một Video-clip chỉ 20 giây trên mạng internet nhưng có hàng triệu lượt xem trong khi chương trình biểu diễn tiền tỉ nhưng phải "huy động" khán giả đến xem. "Chất lượng chính là sự đón nhận của công chúng"- NSƯT Huỳnh Khải nói. Theo ông, ngành văn hóa Cần Thơ cần khảo sát nhu cầu, thực trạng phục vụ của hoạt động BDNTCN hiện nay ra sao, người xem cần gì, thích gì… và bảng khảo sát này cần cập nhật liên tục. Còn soạn giả Nhâm Hùng kể rằng, sau năm 1975, các đoàn cải lương diễn ở đâu đều đông khán giả. Ông thầy tuồng không đứng sau cánh gà la ó, "chọt hông" nghệ sĩ mà ngồi ở hàng ghế khán giả. Đoạn nào khán giả cười nhiều, khóc nhiều, ông ghi chép lại để gia tăng hàm lượng trong vở đó và các vở sau.

Rõ ràng, việc nắm bắt nhu cầu khán giả là việc cần làm ngay. Bên cạnh đó, việc đầu tư các kịch bản, vở diễn, bài múa có chất lượng, "đúng mạch" khán giả cũng cần tính đến. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là chế độ thù lao, nhuận bút cho tác giả ở Cần Thơ còn khá khiêm tốn. Chủ tịch Hội Sân khấu thành phố- Nguyễn Hoàng Dũ nêu điển hình: Một kịch bản dài viết gần cả năm nhưng nhuận bút chỉ 5-7 triệu đồng thì khó trang trải cuộc sống trong khi viết bài ca lẻ, bài bản dễ có thu nhập hơn nhiều.

Nên chăng, ngoài các chương trình biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, hoạt động BDNTCN Cần Thơ cần tính đến những chương trình giải trí như hát tình ca, bolero, hài kịch… Nếu làm tốt, chẳng những phục vụ được bà con và lâu dần có thể bán vé, tạo doanh thu. Nhiều đại biểu cho rằng, bây giờ, BDNTCN cần can đảm hòa vào dòng chảy của giải trí thị trường. Nhạc sĩ Hồ Hoàng lập luận, đã là thị trường thì tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm. Sản phẩm chất lượng tốt sẽ cạnh tranh được, và ngược lại. "Đã là thị trường thì phải có chợ. Chợ của BDNTCN là rạp hát. Rạp của Nhà hát Tây Đô hiện giống cơ quan hành chính, nơi tập luyện hơn là rạp hát. Chính vì Cần Thơ không có rạp hát đủ hấp dẫn nên người dân dần đánh mất thói quen đi coi hát, coi kịch"- ông Hồ Hoàng nhấn mạnh. Rõ ràng, một rạp hát, sân khấu đủ lớn và phù hợp với giải trí hiện đại là rất cần để BDNTCN Cần Thơ được vực dậy.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết