09/07/2018 - 07:55

World Cup của những tình huống cố định 

Ở World Cup 2018, 15/32 đội dự giải đã ghi ít nhất phân nửa số bàn thắng của họ nhờ những pha bóng chết.

Pha sút phạt thành bàn đầy cảm xúc của Toni Kroos trong trận Đức thắng Thụy Điển ở vòng bảng. Ảnh: FIFA
Pha sút phạt thành bàn đầy cảm xúc của Toni Kroos trong trận Đức thắng Thụy Điển ở vòng bảng. Ảnh: FIFA

Theo thống kê, tổng cộng 122 bàn thắng đã được ghi sau 48 trận đấu vòng bảng, 43% trong số này xuất phát từ chấm 11m, phạt góc, đá phạt trực tiếp hoặc ném biên. Đây là tỷ lệ cao bất ngờ so với các kỳ World Cup trước đây. Vòng bảng World Cup 2014, 2010, 2006 và 2002 chỉ có lần lượt 28%, 31%, 35% và 36% bàn thắng bắt nguồn từ những tình huống nói trên, trong khi tỷ lệ này tại giải Ngoại hạng Anh mùa giải vừa qua là 27%. Bóng đá hiện đại chứng kiến trung bình 1/3 bàn thắng đến từ pha bóng chết, nhưng điều gì khiến ngày hội bóng đá đang diễn ra tại Nga trở nên khác biệt như thế?

Câu trả lời là do nhận thức ngày càng cao của các đội bóng về tầm quan trọng của tình huống cố định và đặc biệt là sự xuất hiện lần đầu của công nghệ video hỗ trợ trọng tài VAR. Tính đến nay, trọng tài ảo này đã có ảnh hưởng khá lớn đến World Cup 2018, trong đó liên quan 24 quả phạt đền ở vòng bảng. Tính đến trước vòng tứ kết, có tới 28 quả penalty (xô đổ kỷ lục 18 quả phạt 11m của toàn bộ kỳ World Cup 2002), trong đó 21 tình huống được chuyển hóa thành bàn. Có nhiều tình huống thổi phạt penalty bởi vì trọng tài soi kỹ bất cứ pha đẩy ngã, kéo nhẹ hoặc gài chân đối phương trong vòng 16m50. Khi đó, các đội khó tránh khỏi khả năng thoát phạt đền cho dù các vị vua áo đen bị khuất tầm nhìn. Hình ảnh chiếu lại từ VAR giúp họ đưa ra quyết định chính xác hơn.

Mặc dù được coi là ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch, nhưng Anh lại là đội bóng hưởng lợi nhiều nhất từ chiến thuật này. Tính đến nay, “Tam sư” cực kỳ thành công bởi 57% bàn thắng của họ đến từ những pha bóng chết. Trong đó, 3/6 bàn thắng của chân sút đang dẫn đầu danh sách vua phá lưới Harry Kane đều được thực hiện từ chấm 11m.

Mặt khác, World Cup năm nay cũng đã chứng kiến một số đội bóng chiếu dưới phòng thủ chặt chẽ và khoa học hơn, đồng nghĩa cơ hội để đối phương xuyên thủng hàng thủ cũng sẽ khó khăn hơn. Do vậy, khi đứng trước tình huống cố định, các đội tuyển đã phải nỗ lực sáng tạo để có được bàn thắng. Sự hiện diện của VAR cũng là tác nhân khiến các đội phải dốc sức đầu tư cho những pha bóng như thế này.

Một tình huống cố định cho phép đội bóng dễ đặt các cầu thủ của mình vào những vị trí có xác suất ghi bàn cao hơn so với phát động tấn công từ sân nhà. Phối hợp trong những tình huống này có thể được các cầu thủ tập luyện để tăng tối đa cơ hội lập công. Nếu cầu thủ chiếm lĩnh vị trí gần khung thành đối phương, cơ hội sút tung lưới từ tình huống bóng chết cao hơn 50% so với nhận bóng từ một pha phản công thông thường.

Tình huống cố định quan trọng đối với các đội bóng, bởi vì đây cũng là cơ hội kiểm tra cách tổ chức phòng ngự của đối phương. Trước giải đấu, thời gian các tuyển thủ tập luyện cùng nhau khá hạn hẹp, nên việc phòng thủ ở các tình huống này đòi hỏi khả năng phối hợp và hiểu ý cao. Phối hợp sắc bén từ vị trí bóng chết cũng là giải pháp hiệu quả để những đội bóng nhỏ thử thách các “ông lớn”. Trước những đối thủ như Brazil và Pháp, thì tạo ra nhiều tình huống cố định mang tính sống còn.

 BÌNH DƯƠNG (Theo Telegraph, Reuters, Washington Post)

Chia sẻ bài viết