01/04/2017 - 16:50

Từ sách đến phim

Các tác phẩm văn học luôn là nguồn đề tài bất tận cho điện ảnh. Không chỉ khoác cho văn chương diện mạo mới, đến với đông đảo công chúng hơn; sự tương tác giữa hai bên còn mang đến lợi nhuận, danh tiếng. Vì thế, phim chuyển thể từ sách vẫn luôn là dòng chảy xuyên suốt tại Hollywood.

Chiến lược thỏa hiệp giữa nghệ thuật và thương mại

Năm 2017, có đến 62 cuốn sách được chuyển thể thành phim, theo thống kê từ Goodreads- trang thông tin nổi tiếng về sách. Trong đó, có nhiều tác phẩm gây chú ý: "The Zookeeper’s Wife", "The Circle", "The Dark Tower", "Wonder"… Thống kê từ Goodreads còn cho biết có đến hơn 1.500 tác phẩm văn chương đã được chuyển thành phim và không ít tác phẩm đoạt giải Oscar, gây sốt tại phòng vé: "The Godfather", "The Lord of the Ring, "The Great Gatsby", "Harry Potter", "The Hunger Games", "Twilight", "Jurassic Park"…

Thế giới phù thủy của "Harry Potter" trở nên sinh động và hấp dẫn hơn trên màn ảnh rộng.

Phim ảnh và sách vốn đã có mối quan hệ tương tác lâu đời dựa trên những chiến lược thỏa hiệp giữa nghệ thuật và thương mại. Nhiều cuốn sách, nhờ thành công của phim chuyển thể, được công chúng tìm đọc trở lại. Chẳng hạn, sau tiếng vang của phim điện ảnh, nhiều người tìm đọc "The Reader", "The Godfather", "The Great Gatsby", "Revolutionary Road", "Slumdog Millionaire", "Pride and Prejudice", "The Help"… Và cũng có không ít cuốn sách nổi tiếng được chuyển thể thành phim, làm tăng thêm giá trị lợi nhuận và danh tiếng, mà điển hình là "Harry Potter".

Ra mắt từ năm 1997, loạt truyện về cậu bé phù thủy Harry Potter (bắt đầu từ năm 1997) là hiện tượng của ngành xuất bản thế giới. Sức hút của sách tăng lên khi được Warner Bros. Pictures mua bản quyền (gần 1,9 triệu USD) chuyển thể lên màn ảnh rộng từ năm 2001. Thế giới phép thuật bí ẩn, diệu kỳ và không ít đau thương của tác giả J.K. Rowling được hiện thực hóa gần như hoàn hảo trên màn ảnh. Hiệu ứng của phim đã giúp tác phẩm về Harry Potter trở thành sê-ri sách bán chạy nhất trong lịch sử vào năm 2013, được dịch ra đến 73 ngôn ngữ, với hơn 500 triệu bản được bán trên toàn cầu. Còn trên màn ảnh, tính đến cuối năm 2016, loạt phim về Harry Potter đã mang về hơn 25 tỉ USD, trở thành một trong những loạt phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

"Life of Pi" (ra mắt năm 2001) là thành công đáng chú ý khác. Hành trình sinh tồn của cậu bé Pi trong sáng tác của nhà văn Yann Martel khá kén độc giả, bởi câu chuyện đa nghĩa, nhiều triết lý. Đến khi phim điện ảnh 3D cùng tên do đạo diễn Lý An chỉ đạo ra mắt vào năm 2012, tác phẩm tạo nên cơn sốt mới. Nhờ hiệu ứng kỹ xảo, người xem cuốn hút vào cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Pi, bằng những hình ảnh mắt thấy tai nghe. Cuốn sách được đẩy lượng phát hành lên trên 10 triệu bản và vẫn tiếp tục gia tăng.

Rõ ràng, sự kết hợp giữa sách và điện ảnh đã thỏa mãn nhu cầu giải trí trên nhiều phương diện của công chúng.

Xu hướng bình dân, đại chúng hóa và công nghệ hiện đại

Các tác phẩm văn học được xem là kho tàng đề tài để các nhà làm phim khai thác, bởi sự đa dạng thể loại- đề tài: tâm lý tình cảm, hành động, điều tra tội phạm, kinh dị, khoa học giả tưởng, cổ tích… Và lựa chọn đề tài, tác phẩm chuyển thể là vấn đề quyết định thành công của tác phẩm điện ảnh. Các nhà làm phim Hollywood rất giỏi nắm bắt tâm lý, sự tò mò, ưa phiêu lưu, khám phá và trải nghiệm các cung bậc cảm xúc khác nhau của khán giả. Lựa chọn bình dân và đại chúng hóa tác phẩm văn học đang được các nhà làm phim thực hiện và chứng tỏ hiệu quả.

Điều đó dễ nhận thấy qua hàng loạt phim chuyển thể trong những năm gần đây: "The Danish Girl", "Brooklyn", "The Revenant", "Room", "Carol", "Forrest Gump", "Up in the Air", "Sully", "Argo", "Lincoln", "The Theory of Everything", "Lion"… Không ít trong số này là tác phẩm tiểu sử hoặc đề cập đến những nhân vật- câu chuyện nổi tiếng có thật, hoặc những vấn đề lịch sử. Những thước phim của "Lincoln" đưa người xem hiểu hơn về vị tổng thống Mỹ tài năng với những quyết sách tiến bộ; hay câu chuyện rắc rối đằng sau quyết định cứu người đầy tranh cãi của cơ trưởng Sully trong tác phẩm cùng tên. Theo dòng những sự kiện có thật trong lịch sử, "12 Years a Slave", "The Big Short"… lại mang hơi thở thời đại, gần gũi và thực tế. Có thể thấy việc bình dân và đại chúng hóa những triết lý lớn lao từ các tượng đài văn học thành những điều giản dị, gần gũi, chính là một trong những điểm then chốt để Hollywood chinh phục công chúng.

Sự phát triển của công nghệ, kỹ xảo điện ảnh cũng ảnh hưởng lớn đến sự thành công của phim chuyển thể từ sách. Với những tác phẩm hư cấu, viễn tưởng, những tiểu thuyết lịch sử, sử thi thì kỹ xảo điện ảnh là một trong những yếu tố không thể thiếu, khi góp phần biến những điều không thể thành có thể. "The Jungle Book", "Life of Pi", "Lord of the Rings", "Harry Potter", "Arrival"… thành công tái hiện thế giới phù thủy với phép thuật và quái vật, biển cả mênh mông kỳ ảo, rừng xanh sâu thẳm với muông thú đáng yêu và cũng đáng sợ… Bởi vậy, mối lương duyên giữa sách và điện ảnh nhất thiết phải có sự góp mặt của công nghệ và kỹ xảo.

* * *

Sách và phim ảnh có mối quan hệ tương hỗ lâu bền, bởi mang đến nhiều lợi ích. Mặt khác điều này giúp công chúng có nhìn đa chiều về một tác phẩm hoặc nhân vật qua nhiều loại hình nghệ thuật.

Bảo Lam (Tổng hợp từ Goodreads, Huffingtonpost, Guardian)

Chia sẻ bài viết