13/10/2018 - 16:12

Thứ tha 

Truyện ngắn: HOÀNG KHÁNH DUY

Tiếng kĩu kịt của xe hàng rong đi ngang qua ngõ, trời tối dần, đèn đường sáng lên là lúc các con hẻm chìm khuất trong màn đêm u tịch.

My gắn bó với con hẻm này ngót nghét năm năm, từ hồi ba mẹ bắt đầu cãi vã nhau, không khí gia đình lạnh lẽo, rồi ba mẹ chia tay. Ba dắt em lên tàu về quê sinh sống, My theo mẹ ra thành phố mua nhà, My đi học, mẹ lao và vòng xoáy tất bật của cuộc mưu sinh. Mấy năm sau, mẹ My quen với một người đàn ông khác. Từ đó My thường đóng cửa phòng nằm khóc tức tưởi. Rồi một ngày mẹ bỗng dưng biến mất khỏi thành phố, My hốt hoảng chạy đi tìm, nhưng mãi không gặp. My sống một mình trong hụt hẫng. Những đêm trằn trọc không ngủ được, My thức dậy sửa soạn đồ đạc định bụng bắt chuyến tàu sớm nhất về quê thăm ba, thăm thằng Bình. Để rồi sau đó nỗi cô đơn thêm trống hoác khi My nhớ ra chưa một lần được về thăm quê ba, lần nào ba cũng bảo xa lắm, phải ngồi tàu mấy ngày mới tới.

* * *

My dắt xe ra cửa một mình dạo phố. Ban ngày đi làm, ban đêm My thường ra phố một mình, để có hơi người. Trời lất phất mưa, con hẻm ướt đẫm, nhưng đêm thành phố vẫn rực rỡ ánh đèn, đông nghẹt cộ xe. My đảo một vòng quanh bờ hồ, nhìn vài đôi tình nhân đang ngồi lặng lẽ tựa đầu vào nhau. My từng yêu và cũng từng nếm trải mùi vị của chia tay, đau khổ. Giờ thì My sợ sự đổ vỡ, sợ một cuộc đời lênh đênh đôi đường như ba với mẹ, nhắc đến My chỉ thấy mắt mình ứa nước. Ngoài đường, xe cộ vẫn tấp nập, người nói người cười, đèn hắt xuống mặt đường ướt nước tạo thành những mảng màu sáng tối đan xen vào nhau. Đang đi trên đại lộ đẹp nhất thành phố, bỗng dưng xe kêu xình xịch, My dừng lại, thở dài rồi đảo mắt tìm một tiệm sửa xe gần nhất. Gió lạnh, vài giọt nước đọng trên lá cây rớt xuống vai áo, My thoáng rùng mình. Đẩy xe được một quãng về phía ngã ba, My thoáng thấy đằng xa, dưới gốc cây cổ thụ một tấm biển cũ kỹ đề chữ sửa xe, vài bóng  người lum khum, vài cái vỏ xe xếp chồng nhau dưới gốc cây xù xì, cao lớn. My hối hả đẩy xe về phía đó.

Gần đến chỗ sửa xe, lòng My ngờ ngợ, đôi mắt dần ướt nước, bởi càng tới gần My càng thấy rõ người đàn ông sửa xe kia giống hệt ba của mình. My dừng lại, tay chân rã rời. "Là ba", My thầm thốt lên. Ba già đi rất nhiều, ánh đèn đường hắt lên màu da sạm nắng, màu tóc bạc... Hóa ra mấy năm ròng rã ba và My sống cùng một thành phố, cách nhau có vài con đường. Giọt nước mắt đang lăn dài trên gò má, bỗng My trông thấy từ sau gốc cây cổ thụ, một người đàn bà tóc búi lọn sau gáy bước ra, bên cạnh là em My, thằng nhỏ ngày nào còn bé xíu mà bây giờ đã lớn ngần này. Tim My se lại, My trông thấy ba, thấy em, thấy cả người đàn bà xa lạ. Khi nghe em mình gọi người đàn bà kia bằng mẹ, lòng My đau như vò. Trong đầu My lởn vởn nhiều câu hỏi và dòng suy nghĩ rối bù khiến My quên cả việc đang đứng bên đại lộ mà nước mắt ròng ròng khiến người qua lại nhìn bằng đôi mắt ái ngại... để rồi cuối cùng cũng thu hút ánh mắt của ba My. Vừa theo ánh mắt hiếu kỳ của mọi người nhìn về phía My đang đứng, ba đã lập tức nhận ra My. Hồi xưa ba vẫn thường bảo My giống mẹ, nhất là khuôn mặt trái xoan và đôi mắt to tròn như biết nói. Ba chống tay đứng dậy, đi về phía My, lắp bắp:

   - My, con... ba có nhìn lầm không My?

Người đàn ông tội nghiệp dụi tay lên mắt của mình để nhìn cho rõ con gái sau mấy năm trời xa cách. Đến lúc này My òa lên nức nở:

   - Sao hồi đó ba bỏ mẹ con con? Sao em con gọi người này là mẹ?

Cổ họng người đàn ông nghẹn đắng. Dưới ánh sáng ngọn đèn đô thị, My nhận ra ba đã gầy đi, hốc hác rất nhiều. Mới mấy năm trời mà hình dáng của ba đã đổi thay. Thời gian thật khắc nghiệt, khiến người xa nhau trở nên cách lòng, cũng vắt kiệt sức lực của con người, biến người đàn ông khỏe mạnh trở nên còm cõi, xơ xác. Ba My chết lặng một thoáng, có lẽ để ngắm nhìn thật kỹ khuôn mặt đứa con gái yêu thương, rồi đáp bằng giọng trầm trầm:

- Ba... Ba chưa bao giờ quên hai mẹ con con, My à!

- Tại sao ngần ấy năm ba không đi tìm con?

Ba cúi mặt, khuôn mặt bất lực và héo úa... Trên thế gian này, đôi khi điều đau đớn nhất không phải là việc cách xa gia đình hàng trăm, hàng nghìn cây số mà là ở cùng một thành phố vẫn để lạc mất nhau...

* * *

Năm hôm sau, My gặp lại người đàn bà của ba, trong một buổi chiều đi làm về trông thấy bà đang đứng dưới gốc cây trước con hẻm nhà My. Nhìn dáng vẻ nhẫn nại, khắc khổ của người đàn bà xa lạ, tự dưng My thấy thương hơn là thấy giận. Chiếc nón lá không che nổi khuôn mặt đầy dấu vết thời gian của người đàn bà ba thương. My tấp vào quán café dưới tán cây trứng cá đầu hẻm, người đàn bà lọc cọc dắt chiếc xe đạp dựng đứng dưới gốc cây. An vị trong quán rồi, My càng nhìn rõ khuôn mặt vẫn sầu trĩu như ẩn chứa một nỗi buồn khó nói. Bà nói khẽ:

- Dì với ba con không phải như con nghĩ đâu, My. Dì thương thằng Bình như con đẻ...

Câu trước câu sau của người đàn bà cứ bấn loạn. Một chiếc lá trứng cá khẽ rơi trước gió, cuộn tròn trên đường rồi nằm lại chờ ngày rũ xác. My đăm chiêu một lúc rồi buột miệng:

   - Dẫu sao thì dì với ba tôi và em tôi, bây giờ đã là một gia đình rồi!

Nhìn vào đôi mắt My, người đàn bà bật thốt:

   - Ba của con, ông ấy không còn sống được bao lâu nữa đâu...

Tim My sựng lại trong lồng ngực, nghe người đàn bà kể chuyện của gia đình mình:

- Ông ấy chia tay mẹ con cũng vì bác sĩ bảo trong phổi có tế bào ung thư, khó lòng mà chữa trị...

Bỗng dưng My nhớ lại ba của ngày xưa với đôi vai vững chãi là trụ cột cho cả gia đình. Ngày ba làm phụ hồ, đêm ba đi đẩy xe rác. Hồi xưa My vô tư quá, có bao giờ để ý đến sức khỏe và những cơn ho khan khốc của ba. Nghĩ lại, nước mắt My trào ra, ướt đẫm.

Người đàn bà cũng sụt sịt, trờ tay vuốt nước mắt trên khuôn mặt của My. Trong khoảnh khắc ấy, bà thoáng nghĩ về mình, về cuộc đời đằng  đẵng. Hồi ấy, thời thiếu nữ bà gánh nước thuê ở làng, thầm thương chàng trai cùng làng chăm chỉ, giỏi giang. Rồi người thanh niên ấy ra phố tìm kế sinh nhai, rồi kết hôn với người con gái khác. Chưa một lời hứa hẹn, nhưng bà vẫn thầm chờ đợi người xưa, đợi hết một mùa xuân sắc. Cho đến khi người xưa trở lại trong hình hài gầy gò, bệnh tật...

Người đàn bà kể cho My nghe chuyện năm năm qua. Ba mở cái tiệm sửa xe tàng tàng dưới gốc cây cổ thụ bên đại lộ, dì mua bán ve chai, tối lại bán lặt vặt vài thứ cạnh chỗ sửa xe của ba. Ba My trải qua vài lần hóa trị, bệnh tình không thuyên giảm bao nhiêu, mà tiền cứ đội nón ra đi. Ba My quyết định không hóa trị nữa. Có lẽ điều mà ba trăn trở nhất trong đời là không được gặp mẹ của My lần sau cuối...

* * *

My theo người đàn bà đến gốc cây cổ thụ bên đại lộ, ở đó có một tiệm sửa xe con con, một người đàn ông cao gầy và một đứa trẻ đang phụ giúp. My thả ga chầm chậm, người đàn bà đạp xe lọc cọc cạnh bên. Tối hôm ấy, My gặp lại ba, vẫn cái dáng gầy hom lưng còng cặm cụi sửa chiếc xe đạp cho cậu bé bán vé số. Ba không lấy tiền, ba nhìn cậu bé bằng đôi mắt mờ mờ mây khói, cười nhẹ hẫng.

 My òa khóc, nức nở, My lao vào lòng ba, dụi đầu vào khuôn ngực trơ xương của ba. Bên trong khuôn ngực ấy, lá phổi đang từng ngày từng giờ tan đi, ba cũng đợi chờ một cuộc ra đi. Thằng Bình chạy đến nắm lấy tay My, mếu máo:

- Chị Hai đừng có giận ba nữa nghen...

   My ngồi xuống ôm Bình vào lòng:

- Ba ơi, dì ơi, mình đừng để lạc nhau nữa, có được không?

Câu nói nhẹ tênh, cảm giác yên bình vây kín. Nhẹ hơn cả chiếc lá vàng khô bay bay trong gió chiều. Tháng chín, mưa thu bất chợt ùa vào lòng phố, se lạnh, hanh hao.

Một buổi chiều ngồi cùng ba ngoài chiếc xích đu trước hàng ba, trời trở gió, sợ ba lạnh, My vô nhà lấy thêm áo cho ba. Giữa dòng người vội vã trong giờ tan tầm, người đàn ông thoáng thấy có người đàn bà sang trọng mặc bộ đồ màu nho đứng hồi lâu trước cổng nhà. Đột nhiên ông thấy mắt mình ươn ướt, hai vai run lên và hơi thở cứ thế mà gấp dần, gấp dần. Ông chống tay đứng dậy đi về phía cánh cổng... để không phải muộn màng cho một cuộc ra đi. My nghe bên tai mình văng vẳng lời ngọt ngào, trầm ấm, rưng rưng:

- Tha thứ cho tôi nghe mình. Không phải mình bỏ tôi, mà chính tôi bỏ mình...

Chia sẻ bài viết