29/07/2017 - 16:49

Sao cứ phải giống nhau? 

Cũng như những loại hình nghệ thuật khác, nhiếp ảnh đòi hỏi nghệ sĩ có khuynh hướng, phong cách sáng tác riêng. Tuy nhiên, với kiểu sáng tác “đi chung cho vui” như hiện nay của các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam, chuyện trùng lặp, giống nhau gần như tuyệt đối trong các tác phẩm là điều khó tránh khỏi.

Tác phẩm “Buổi sáng mùa đông” (trái) của Nguyễn Trọng Nghĩa và “Vó đánh cá” của Lý Hoàng Long. Nguồn: http://vnca.cand.com.vn/

 

Có nhiều điển hình về chuyện giống không thể ngờ ấy.

Tại cuộc thi ảnh quốc tế Arbella lần thứ 6-2016 do Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức, NSNA Nguyễn Trọng Nghĩa đoạt huy chương vàng FIAP với tác phẩm “Buổi sáng mùa đông”.

Đó là khoảnh khắc ngư dân bơi xuồng ra thăm vó trong bảng lảng sương sớm. Nhưng rồi giới nhiếp ảnh lại phát hiện tác phẩm này giống đến khoảng 90% so với tác phẩm “Vó đánh cá” của NSNA Lý Hoàng Long, từng đoạt huy chương vàng FIAP cuộc thi ảnh Trophy Gipuzkoa International 2014 tổ chức tại Tây Ban Nha.

Lẽ dĩ nhiên, “người đến sau” Nguyễn Trọng Nghĩa bị nghi ngờ “đạo ảnh”.

Sự thật được phơi bày khi cả 2 người trong cuộc đều thừa nhận không ai “đạo” của ai mà chỉ là cùng rủ nhau đi sáng tác chung ở hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt).

Có thể kể ra hàng loạt chuyện “dở khóc dở cười” tương tự, như NSNA Trần Nhật Quang và NSNA Phạm Tỵ với bức ảnh cùng chụp ảnh những nữ ngư dân đan lưới; tác phẩm chụp cảnh thả hoa đăng trên sông Hoài của Kỳ Anh, Phạm Tỵ và Tuấn Phạm na ná nhau; ảnh chụp đoàn người cầm dù đi dưới mưa của Thái Bích Thuận và Mai Thanh Chương…

Cái kết của những vụ giống nhau ấy vẫn là anh em rủ đi sáng tác chung cho vui và rồi: ngồi chung chỗ, đứng chung nơi… dẫn đến chung góc ảnh.

Dĩ nhiên, chuyện anh em trong nghề đi sáng tác tập thể là tốt, có thể học hỏi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau, song không cớ gì phải “không thể rời xa”.

Những tác phẩm giống nhau cho thấy dường như họ bấm máy gần như cùng khoảnh khắc.

Điều đó cho thấy NSNA cần tư duy ảnh, tìm góc chụp cho riêng mình, dù có bao nhiêu người đi cùng. Bởi cùng một phong cảnh đó, nhưng nếu xử lý ống kính xa gần, chọn thời khắc chụp, xử lý hậu kỳ… sẽ tạo ra một bức ảnh hoàn toàn khác.

Câu chuyện có thật mà nhiều NSNA chia sẻ là ở Ninh Thuận có cánh đồng thả cừu lớn. Vài NSNA vô tình phát hiện và có ảnh đẹp.

Những cậu bé dân tộc ngơ ngác bên đàn cừu trở thành nét đặc sắc. Vậy rồi NSNA “rủ nhau ra chụp đồng cừu”, những cậu bé không còn ngơ ngác mà tinh ranh, lên giá “cát-sê” liên tục.

Hay chuyện một nhóm nghệ nhân dệt vải người Chăm ở An Giang đã xin phép cho “dưỡng sức” khi mà có quá nhiều NSNA đến chụp ảnh… Không quá lời khi nói kiểu sáng tác “ăn theo”, “ai chụp gì ta chụp nấy” đã làm thui chột khả năng sáng tạo của nghệ sĩ.

Hệ quả của việc chụp ảnh không có phong cách riêng không dừng lại ở đó.

Những vụ kiện cáo lùm xùm vừa qua cho thấy “tai bay họa gửi” khi bỗng dưng mình bị vu là kẻ cắp. Hơn nữa, nhiếp ảnh Việt Nam sẽ nghèo nàn với những tác phẩm nghệ thuật cứ “sinh đôi”, “sinh ba” liên tục.

Thực tế, nhiều nghệ sĩ suốt đời cầm máy chỉ để chụp chim, chụp loài khỉ, chụp phong cảnh… nhưng rất thành danh. 

Điển hình đáng suy ngẫm là NSNA người Pháp Réhahn sau thời gian sống tại Việt Nam đã ấn tượng với những nụ cười của cư dân trên khắp đất nước này. Anh đã đi dọc dài Việt Nam để chụp “Nụ cười Việt Nam” và trở nên nổi tiếng.

Còn bao nhiêu điều đẹp đẽ trên đất nước ta, NSNA sao cứ phải chụp ảnh giống nhau?

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết