28/05/2018 - 21:29

Đạo diễn Hirokazu Kore-eda

Người kể những câu chuyện gia đình 

Cành Cọ Vàng Liên hoan phim Cannes 2018 đã gọi tên “Shoplifters” của đạo diễn Hirokazu Kore-eda, ghi dấu chiến thắng của điện ảnh Nhật Bản sau hơn 21 năm kể từ “Unagi” (1997). Hirokazu Kore-eda là đạo diễn được kính trọng với những tác phẩm về đề tài gia đình, xã hội - mà ở đó lòng vị tha luôn được ca ngợi. Vì vậy, đạo diễn Hirokazu Kore-eda còn được xem là người thừa kế di sản tinh thần của bậc thiền sư Nhật Bản Yasujirô Ozu.

Hirokazu Kore-eda nhận Cành Cọ Vàng Liên hoan phim Cannes 2018 với tác phẩm “Shoplifters”.

“Shoplifters” khai thác cuộc sống của những người bên lề đô thị Tokyo. Đó là gia đình Osamu chật vật duy trì cuộc sống của 5 người ở một đô thị đắt đỏ. Bất đắc dĩ, Osamu chỉ con trai nhỏ ăn cắp vặt ở siêu thị để đỡ đần cuộc sống của họ. Vậy mà, một buổi tối mùa đông, hai cha con không đành lòng nhìn cô bé 5 tuổi bị bỏ rơi co ro dưới trời lạnh, nên mang cô bé về nhà. Sự xuất hiện của cô bé làm cảnh sát chú ý và gia đình Osamu phải đối mặt với nhiều nghi ngờ...

Shoplifters” tựa như một lát cắt nhẹ nhưng sâu, về cuộc sống của những người bị bỏ bên lề xã hội. David Ehrlich- cây bút của IndieWire cho rằng “Shoplifters” là câu chuyện xúc động, tinh tế, Hirokazu Kore-eda không thuyết giảng, mà nhẹ nhàng đưa người xem thấm vào đời sống. Eamon Bowles- Chủ tịch hãng Magnolia Films, đơn vị phát hành “Shoplifters” tại Bắc Mỹ, nói: Shoplifters là câu chuyện gia đình tuyệt vời, Hirokazu Kore-eda đã làm ra một trong những tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp của ông. “Shoplifters” đang nhận 100% điểm tích cực trên trang Rotten Tomatoes với nhiều lời khen tặng về câu chuyện gia đình hóm hỉnh, đong đầy cảm xúc. Geoff Andrew, cây bút của Time Out  đã cho phim đạt điểm tối đa 4/4 với lời khen tặng “Hirokazu Kore-eda là Ozu của điện ảnh Nhật đương đại”.

Sự ví von của Geoff Andrew là chính xác, khi phim của Hirokazu Kore-eda phảng phất tinh thần vị tha và dung dị của thiền sư Yasujirô Ozu. Nhân vật chính trong những câu chuyện của Hirokazu Kore-eda luôn rất đời thường, nghèo đói, bị bỏ rơi (nhất là trẻ con); được đặt trong không gian náo nhiệt, giàu có của một đô thị. Sự tương phản này không gây khó chịu cho người xem, bởi cách dẫn dắt tinh tế với những góc máy tĩnh, đậm chất nghệ thuật mà vẫn rất thực. Chính vì thế, Hirokazu Kore-eda thường được giới phê bình gọi là một nghệ sĩ đi trên dây, luôn đứng giữa ranh giới ảo và thực, kể lại và sáng tác, riêng tư và công khai. Tác phẩm của ông vì thế luôn khiến người xem khắc khoải và ghi sâu cảm xúc.

Một điểm thường thấy trong các tác phẩm của Hirokazu Kore-eda là luôn khai thác đề tài gia đình, những vấn nạn xã hội. Những tác phẩm “Maborosi” (1995), “After Life” (1998), “Distance” (2001), “Nobody Knows” (2004), “Still Walking” (2008), “I Wish” (2011), “Like Father Like Son” (2013), “Our Little Sister” (2015), “After the Storm” (2016)... đều khiến người xem nghẹn ngào. Đơn cử, “Like Father Like Son” khiến khán giả thấu triệt nỗi đau của hai gia đình có hai đứa trẻ bị trao nhầm khi sinh, và những quyết định khó khăn khi biết sự thật vài năm sau đó. “Like Father Like Son” từng nhận giải thưởng Ban giám khảo tại Cannes 2013.

Nhiều người gọi Hirokazu Kore-eda là người kể chuyện gia đình, bản thân ông cũng coi đó là tài sản vô giá. Dẫu trong những câu chuyện của ông, mỗi gia đình đều chưa bao giờ êm thấm, thế nhưng mọi gút mắt đều được tháo gỡ bằng sự yêu thương.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Variety, IndieWire, Time Out)

Chia sẻ bài viết