07/07/2010 - 21:12

Sai lệch trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền

Người dân gặp nhiều phiền toái!

Thời gian qua, nhiều bà con ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, phát hiện Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) do chính quyền địa phương cấp năm 1992 có nhiều sai sót; phổ biến nhất là sai lệch diện tích, sai vị trí giáp ranh, sai hình thể và lộn thửa. Sự sai lệch này đã làm cho nhiều hộ dân gặp khó khăn, phiền toái khi làm các thủ tục có liên quan đến đất đai, như: tách thửa, đăng ký thế chấp vay vốn ngân hàng, chuyển nhượng QSDĐ... Trong khi đó, thủ tục chỉnh lý các giấy tờ này lại rất nhiêu khê, khiến người dân bức xúc...

* Sai sót của chính quyền, dân “lãnh đủ”...

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, hiện nay, trong ấp Nhơn Khánh có 282 hộ, với diện tích đất 104 ha (chiếm trên 80% diện tích đất được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ của người dân trong ấp) bị lộn thửa, chồng lấn hộ này sang hộ khác, sai mục đích sử dụng, sai vị trí giáp ranh... Những sai sót này đã gây nhiều khó khăn, phiền hà cho người dân trong việc đăng ký thế chấp vay vốn ngân hàng, chuyển nhượng, làm thủ tục thừa kế...

Bà Võ Thị Năm, ở ấp Nhơn Khánh A, bức xúc vì trước đây nhà nước cấp giấy chứng nhận QSDĐ bỏ sót thửa đất hơn 700m2. Hơn một năm nay bà làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ thửa đất này vẫn chưa có kết quả, vì đất bà đang được người khác đứng tên trong sổ bộ. 

Ông Lê Văn Võ, ở ấp Nhơn Khánh, có thửa đất vườn 4.200m2. Năm 2009, ông Võ quyết định cho 3 người con trai mỗi người một phần đất để ra ở riêng. Thế nhưng, khi đến UBND xã làm hồ sơ, gia đình ông Võ “tá hỏa” khi biết thửa đất của ông do ông Ngô Hữu Nghiệm (người cùng ấp) đứng tên trong sổ bộ, còn ông Võ đứng tên thửa đất 5.000m2 của ông Nghiệm. Sau khi phát hiện sai lệch, ông Võ đã làm đơn đề nghị chính quyền chỉnh lý, nhưng hơn một năm nay vẫn chưa xong, lý do là gia đình ông Nghiệm chưa có tiền đóng phí đo đạc để chính quyền địa phương chỉnh lý. Tương tự, Bà Bùi Thị Thuý, một người dân ấp Nhơn Khánh, kể: “Năm 2009, tôi có nhu cầu vay vốn ngân hàng để làm ăn, tôi mang giấy chứng nhận QSDĐ đến Văn phòng Đăng ký QSDĐ huyện để đăng ký thế chấp vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, cán bộ Văn phòng Đăng ký QSDĐ kiểm tra phát hiện thửa đất của tôi do bà Nguyễn Thị Điệp đứng tên trên sổ bộ. Văn phòng Đăng ký QSDĐ yêu cầu tôi phải chỉnh lý và cấp lại giấy mới thì mới được đăng ký thế chấp. Để chỉnh lý tôi phải mượn Giấy chứng nhận QSDĐ của bà Điệp, phải chờ chính quyền xác minh, chờ cán bộ ấp họp lấy ý kiến khu dân cư, cán bộ địa chính huyện đến đo đạc... mất hơn nửa năm mới chỉnh lý được”.

Không chỉ riêng ở ấp Nhơn Khánh, ở ấp Nhơn Khánh A, trên 70% Giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho người dân bị lộn thửa, sót thửa, chồng lấn diện tích lên nhau. Theo ông Lê Văn Thảo, Trưởng ấp Nhơn Khánh A, những sai lệch trong quá trình cấp Giấy chứng nhận QSDĐ khiến phát sinh nhiều vụ tranh chấp giữa người dân địa phương. Cụ thể như trường hợp của bà Nguyễn Thị Kìm có 8.000m2 đất vườn, nhưng khi chính quyền địa phương cấp Giấy chứng nhận QSDĐ của các hộ lân cận chồng lấn lên diện tích đất của bà, nên trên Giấy chứng nhận QSDĐ của bà Kìm chỉ còn 6.000m2. Năm 2009, bà Kìm làm thủ tục chỉnh lý lại Giấy chứng nhận QSDĐ cho đúng với diện tích thực tế, nhưng các hộ kia không đồng ý cho mượn Giấy chứng nhận QSDĐ. Chính quyền địa phương đã phải “vào cuộc” để vận động, thuyết phục, nhưng cũng phải hơn một năm sau các hộ chồng lấn mới chịu cho bà Kìm mượn Giấy chứng nhận QSDĐ để chỉnh lý. So với bà Kìm, trường hợp bà Võ Thị Năm kém may mắn hơn. Bà Năm kể: “Tôi có hai thửa đất liền kề nhau, nhưng khi cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho tôi, chính quyền đã bỏ sót một thửa có diện tích hơn 700m2. Cuối năm 2009, tôi đến xã làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ thửa đất này để sử dụng hợp pháp mới phát hiện thửa đất này do ông Nguyễn Văn Mừng (ở cùng ấp) đứng tên trong sổ bộ. Cán bộ địa chính huyện yêu cầu tôi phải mượn Giấy chứng nhận QSDĐ của ông Mừng để chỉnh lý, nhưng ông Mừng không đồng ý nên đến nay tôi chưa làm được Giấy chứng nhận QSDĐ cho thửa đất này”. Về sự việc của bà Năm, ông Bạch Việt Phúc, cán bộ địa chính xã, cho biết: Hiện nay, đất của ông Mừng đang tranh chấp với bà Nguyễn Thị Ba (người cùng ấp). Ông Mừng yêu cầu chính quyền giải quyết xong tranh chấp giữa gia đình ông và gia đình bà Ba thì ông mới cho bà Năm mượn Giấy chứng nhận QSDĐ. Hiện xã và ấp đang tập trung giải quyết tranh chấp giữa hai gia đình để giúp bà Năm được cấp giấy chứng nhận QSDĐ của thửa đất bị bỏ sót.

* Cần sớm khắc phục...

Theo ông Bạch Việt Phúc, cán bộ địa chính xã Nhơn Nghĩa, năm 1992, theo chủ trương chung của tỉnh Cần Thơ, người dân xã Nhơn Nghĩa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đại trà. Tuy nhiên, vào thời điểm này, do công tác quản lý nhà nước về cấp Giấy chứng nhận QSDĐ của chính quyền chưa chặt chẽ, đo đạc bằng thủ công, cán bộ đo đạc chạy theo sản phẩm, một số trường hợp đo đạc không có mặt chủ đất... đã dẫn tình trạng cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân trên địa bàn xã sai lệch nhiều so với thực tế.

Theo lý giải của cán bộ địa chính xã Nhơn Nghĩa, rõ ràng, những sai sót trong việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ ở xã Nhơn Nghĩa bắt nguồn sự tắc trách của chính quyền, thế nhưng, hiện nay để chỉnh lý các giấy tờ đã sai lệch, người dân phải trải qua nhiều “công đoạn” rất phiền hà và nhiêu khê như: chờ huyện đo đạc, chờ ấp họp khu dân cư để lấy ý kiến và xác minh nguồn gốc đất, rồi phải tiếp tục chờ niêm yết tại xã trong thời gian 1 tháng... nên mỗi hồ sơ chỉnh lý thường phải kéo dài từ 3-5 tháng. Đó là chưa kể những trường hợp giữa các hộ có liên quan (chồng lấn, lộn thửa) không có sự hợp tác để chỉnh lý thì thời gian kéo dài hàng năm trời. Mặt khác, khi chỉnh lý, người dân phải tốn tiền đóng phí đo đạc, đóng tiền đăng thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều chi phí khác trong quá trình thực hiện các thủ tục.... Chị Nguyễn Thị Hằng, ở ấp Nhơn Khánh A, ngao ngán kể: “Tôi có một thửa đất diện tích 6.600m2, nhưng trong sổ bộ lại mang tên người khác. Để chỉnh lý, tôi phải mất 3 năm, với rất nhiều lần tới lui huyện - xã mới xong. Theo tôi, người nào làm sai thì phải sửa. Đằng này, chính quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân bị sai lệch, nhưng lại bắt người dân phải chạy khắp nơi để điều chỉnh là không công bằng”. Ông Bạch Việt Phúc, cán bộ địa chính xã Nhơn Nghĩa, đề xuất: “Để tạo thuận lợi cho người dân chỉnh lý Giấy chứng nhận QSDĐ, theo tôi chỉ cần tổ chức họp lấy ý kiến khu dân cư để xác định nếu thửa đất sử dụng ổn định, không tranh chấp thì tiến hành chỉnh lý cho bà con để giảm bớt các thủ tục hành chính và tránh hộ này muốn chỉnh lý nhưng hộ khác không cho mượn giấy chứng nhận QSDĐ. Trường hợp những hộ sai lệch mục đích sử dụng thì căn cứ vào thực tế để chỉnh lý luôn”.

Trao đổi với chúng tôi về hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho người dân ở xã Nhơn Nghĩa bị cấp Giấy chứng nhận QSDĐ sai lệch, ông Nguyễn Lạc, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Phong Điền, cho biết: Đầu năm 2010, UBND huyện đã có công văn đề nghị và được Sở Tài nguyên Môi trường thành phố đưa vào kế hoạch đo đạc chính quy và cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ trong giai đoạn 2011-2012. Lúc đó, những sai lệch Giấy chứng nhận QSDĐ của người dân xã Nhơn Nghĩa sẽ được giải quyết.

Tuy nhiên, trong lúc chờ đến thời gian triển khai đo đạc chính quy, thiết nghĩ, các ngành có liên quan và chính quyền địa phương cần nghiên cứu, có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân muốn thực hiện các thủ tục chỉnh lý nhanh, gọn. Tránh để nhiều hộ dân quá bức xúc vì gặp khó khăn, phiền toái kéo dài, trong khi lỗi là do sai sót của chính quyền.

Bài, ảnh: ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết