21/10/2018 - 17:14

Tòa án nhân dân TP Cần Thơ

Năng động, sáng tạo, liêm khiết, chí công vô tư 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tòa án quân quản ở một số địa phương được thiết lập và thực hiện nhiệm vụ xét xử trong một khoảng thời gian nhất định nhằm trừng trị các phần tử có nợ máu với cách mạng và tội ác với nhân dân. Tháng 11-1976, hệ thống Tòa án nhân dân (TAND) ở các tỉnh phía Nam lần lượt được thành lập, trong đó có TAND tỉnh Hậu Giang. Năm 1992, tỉnh Hậu Giang lại được chia tách, mặc dù tình hình biên chế ít ỏi, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nhưng TAND tỉnh Hậu Giang, tỉnh Cần Thơ đã xét xử nhiều vụ án với khối lượng ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp… Qua đó góp phần củng cố chính quyền, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, hàn gắn tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC trao cờ thi đua cho 2 đơn vị đạt thành tích thi đua xuất sắc năm 2016. Ảnh: T.Nhung

Tại kỳ họp cuối năm 2003, Quốc hội khóa XI đã ra Nghị quyết về việc chia tách tỉnh Cần Thơ thành lập mới tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Theo đó, TAND hai cấp TP Cần Thơ cũng chính thức được thành lập. Lúc bấy giờ, TAND hai cấp thành phố chỉ có 100 biên chế (với 29 thẩm phán); nhiều nơi chưa có trụ sở làm việc. Nhưng chỉ sau gần 15 năm chia tách (lần thứ hai), tổ chức bộ máy đã không ngừng kiện toàn, biên chế được bổ sung thêm, khắc phục cơ bản tình trạng thiếu thẩm phán kéo dài, nhất là ở cấp huyện. Đến nay, biên chế đã được tăng lên trên 200 người, có đủ 99 thẩm phán theo chỉ tiêu được giao; trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ được nâng lên, nhiều công chức được đào tạo cử nhân, cao cấp lý luận chính trị, thạc sĩ luật học. Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc từng bước được đầu tư xây dựng, trang bị đảm bảo cho các hoạt động.

Trong giai đoạn này, TAND hai cấp của thành phố đã thụ lý, giải quyết gần 100.000 vụ án các loại. Đáng chú ý là không có xét xử vụ án xâm phạm an ninh quốc gia nào. Tuy nhiên, các tội phạm khác từng lúc xảy ra nhiều và rất phức tạp, nghiêm trọng. TAND hai cấp đã xét xử nghiêm khắc những hành vi phạm tội đặc biệt nguy hiểm, gây hậu quả lớn, khoan hồng đối với những người nhất thời phạm tội, biết ăn năn hối cải, đặc biệt là không để xảy ra trường hợp kết án oan người vô tội. Các tranh chấp dân sự mỗi năm đều tăng, chủ yếu là tranh chấp đất đai, vay mượn tài sản. Thời gian gần đây phát sinh nhiều vụ ly hôn với người nước ngoài… cũng được TAND hai cấp giải quyết khá kịp thời và đã kiên trì hòa giải thành khối lượng lớn án dân sự, đạt tỷ lệ cao. Ngoài việc xét xử tại trụ sở, TAND hai cấp còn tăng cường tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động nhằm răn đe, phòng ngừa chung và giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật rộng rãi trong quần chúng nhân dân.

Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua đã quy định "Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp". Đó là sự ghi nhận đầu tiên trong lịch sử lập hiến, TAND có vai trò, vị trí đặc biệt trong bộ máy Nhà nước, thẩm quyền của Tòa án cũng được mở rộng thêm và các ngạch thẩm phán đều do Chủ tịch nước bổ nhiệm. Uy tín của Tòa án và hiệu quả công tác xét xử ngày được nâng cao, đại bộ phận người dân tin tưởng hơn vào công lý tại Tòa án.

Nhìn lại chặng đường 15 năm kể từ ngày thành lập thành phố Cần Thơ và trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, TAND hai cấp của thành phố luôn nhận được sự dìu dắt, động viên, góp ý của những cán bộ Tòa án đã nghỉ hưu, chuyển công tác; sự quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ của TAND tối cao, Thành ủy, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc, các ngành, các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hoạt động tư pháp; sự đóng góp nhiệt tình của các vị Hội thẩm nhân dân. Được sự quan tâm, động viên đó và kế thừa truyền thống vẻ vang của hệ thống Tòa án, đội ngũ thẩm phán, công chức Tòa án nhân dân hai cấp của thành phố hôm nay luôn tu dưỡng, rèn luyện giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tích cực "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", đề cao ý thức "Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư" như Bác Hồ đã dạy và ngày càng phát triển về mọi mặt góp phần tạo nên thành quả quan trọng, sự trưởng thành vượt bậc về tổ chức bộ máy và hoạt động của TAND hai cấp thành phố Cần Thơ.

Bên cạnh thành quả đã đạt được, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Cần Thơ cũng còn một số hạn chế, như: trình độ năng lực đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, chưa ngang tầm với yêu cầu hội nhập quốc tế; trong công tác xét xử vẫn còn có những sai sót để án quá hạn luật định, án bị hủy sửa; cơ sở vật chất, phương tiện làm việc tuy từng bước được cải thiện, nhưng nhìn chung còn thiếu thốn và lạc hậu đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động và vị thế của Tòa án trong xã hội.

Nhân kỷ niệm 15 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương, lãnh đạo, công chức TAND hai cấp thành phố Cần Thơ ra sức phấn đấu không ngừng, trung thành với Hiến pháp, với Đảng và chế độ, giữ gìn đoàn kết, khắc phục khuyết điểm, hạn chế, đề cao kỷ cương, tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, liêm khiết, chí công vô tư, cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách để thực hiện tốt quyền tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Lãnh đạo, công chức TAND hai cấp phấn đấu thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, đóng góp cùng Đảng bộ, quân và dân thành phố thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sớm đưa Cần Thơ trở thành "Thành phố sông nước, đô thị sinh thái đáng sống" như kỳ vọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 

Nguyễn Thanh Thiên (Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Tòa án